Tấm lòng người thầy nơi biên giới việt - Lào
Trở lại vùng cao Tây Giang lần này đúng vào một ngày nắng đẹp, dù trước đó vừa phải trải qua những ngày mưa gió tơi bời. Cheo leo trên đỉnh Quế chập chùng mây trắng ngút ngàn, phải mất đến gần ba giờ chúng tôi mới đến được Trường PTDTBT TH&THCS xã ChƠm. Dù không còn xa lạ, nhưng những câu chuyện về thầy - trò ở đây cứ như những mạch nguồn dưới dải Trường Sơn chưa bao giờ vơi cạn.
Tiếng trống trường vừa điểm giờ ra chơi, thầy giáo Pơloong Đíp đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi sau khi rời bục giảng. Vốn bản tính cởi mở và bộc trực, người thầy có tấm bằng ĐH chính quy đầu tiên vùng biên giới vui vẻ kể hành trình cuộc đời mình: Bản thân luôn tự hỏi tại sao người vùng xuôi, người Kinh học ĐH được, còn mình thì không. Từ đó quyết chí học hành, năm 2004 thì đỗ vào Trường ĐH Sư phạm Huế. Tốt nghiệp loại xuất sắc, dù được ưu tiên chọn giảng dạy các trường có điều kiện tốt ở đồng bằng nhưng thầy giáo Pơloong Đíp quyết định làm đơn xin về lại bản làng vùng cao của mình.
Phải dìu dắt giúp đỡ con em mình thôi! Trong trường hiện có nhóm học sinh (HS) hơn 10 em rất đặc biệt mà thầy Đíp đang phải quản. Ngoài dạy học, thầy Đíp luôn dành thời gian khuyên nhủ, động viên các em nỗ lực vươn lên, bởi các em đều hoàn cảnh khó khăn, từng bỏ học, có em hoang nghịch hư hỏng, không vâng lời... đã được thầy giúp đỡ động viên trở lại trường, lớp. Tuy giờ đây các em khá ngoan ngoãn, biết lo học tập, vâng lời thầy cô... nhưng công việc của thầy thì vẫn duy trì.
Em Hối Vi Vu là một trong số hơn 10 HS đã hai lần bỏ học, lần thứ nhất mẹ tự tử, lần thứ hai chỉ cách đây hơn tháng, giãi bày tâm sự: “Em rất biết ơn thầy Pơloong Đíp. Thầy bây chừ như là người mẹ thứ hai trong đời em. Có hôm hết gạo thầy còn lo bữa cho ba cha con em đó”. Ở trường đã từng xảy ra 7 vụ phụ huynh tự vẫn, trong đó có ba vụ chết người. “Các em con những gia đình này đều bỏ học, việc thuyết phục các em ra lớp chẳng phải dễ dàng gì”- thầy Đíp đăm chiêu, chia sẻ.
Thư viện có tên Thân Thiện được xây cạnh trường hỏi ra mới biết cũng do chính thầy Pơloong Đíp sáng kiến tạo lập từ nguồn vận động xã hội hóa bên ngoài và tiền túi thầy bỏ ra. Để các em đam mê với sách, thầy còn tận tình hướng dẫn, giúp các em tiếp cận làm bạn với sách, em nào thích loại sách nào thầy sẽ tìm và chỉ vẽ những điều hay ho trong đó.
Để khuyến khích việc học, thầy Pơloong Đíp triển khai chương trình gây quỹ khuyến học, giúp đỡ HS khó khăn có thêm điều kiện đến lớp, được duy trì suốt nhiều năm qua. Có một câu chuyện xúc động về tấm lòng của thầy Đíp mà ở đây ai cũng biết đó là chính thầy đã động viên vợ tiên phong hiến hơn 3ha đất vườn giúp làng có mặt bằng định cư mới; vận động nguồn lực xây dựng một điểm trường mới cho con em ở làng. Mới nhất, gia đình thầy nhường cả căn nhà của mình làm khu nội trú cho giáo viên vùng xuôi lên dạy học.
Thầy Nguyễn Đông Vũ- Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS xã Ch Ơm tâm sự rằng, thật may mắn khi nhà trường có được một người thầy như thầy Pơloong Đíp. Nhờ sự quán xuyến của thầy Đíp mà nhà trường thuận lợi rất nhiều trong dạy - học đối với một trường học vùng cao, đa số đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Thầy là một người hết sức tâm huyết, hết lòng hết sức vì các em nhỏ ở đây.
Một đồng nghiệp của thầy Pơloong Đíp xúc động chia sẻ thêm: Cách đây hai năm khi thầy Đíp còn dạy ở trường A Xan, để cứu hàng chục HS thoát chết trong gang tấc khi lũ về bao phủ căn nhà ăn của trường học, thầy Đíp chẳng may bị thương nặng. Trận ấy, lũ rút, thầy Đíp nhờ bà con sơ cứu bằng lá rừng rồi tìm cách về Trung tâm Y tế H.Tây Giang hơn cả chục cây số. Rất may thầy được nhóm thiện nguyện đưa ra Đà Nẵng điều trị. Đi đến đâu thầy cũng được đón tiếp bằng tất cả tình cảm yêu thương của mọi người, kể cả người không quen biết. Đúng là, yêu thương cho đi sẽ không mất đi bao giờ...
Hiện trường PTDTBT, TH-THCS xã Ch Ơm huyện biên giới Tây Giang có 13 lớp với 164 HS khối TH, 155 HS khối THCS, trong đó hầu hết con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngoài điểm trường chính khá khang trang thì nhà trường còn tổ chức dạy học lớp ghép 2 trình độ tại các điểm trường như Atu I, Atu II, Chanốc, Cha lăng... một số địa bàn cách trở sông suối, khó khăn đi lại vào mùa mưa lũ...
Từ chỗ đỏ con mắt để tìm ra một HS học đến cấp ba, thì năm học này, HS của thầy Đíp đã có bảy em tốt nghiệp ĐH. Còn người thầy có bằng ĐH đầu tiên nay đã có thêm một tấm bằng ĐH nữa. Đó là tấm bằng ĐH Nông Lâm Huế. Thầy Đíp bảo học ngành này để có kiến thức giúp bà con tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Con chữ không vẫn chưa đủ. Thầy giáo Pơloong Đíp quả là tấm gương để các em ở vùng cao này soi vào phấn đấu.
Võ Trường