Báo Công An Đà Nẵng

Tấm lòng vàng của người tù Côn Đảo

Thứ bảy, 30/05/2015 10:30

(Cadn.com.vn) - Là một người lính trung kiên trong thời chiến, một chi hội trưởng nhiệt huyết với công tác từ thiện trong thời bình, ông Võ Văn Đức, trú tại kiệt 33, P. Hòa Khánh Bắc (Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) luôn được bà con lối xóm tin yêu và kính trọng. Vốn là lính An ninh tại đơn vị C33, năm 1970, bị gián điệp chỉ điểm, ông và các đồng đội bị bắt giam tại kho đạn Đà Nẵng. Bọn địch tra khảo, đánh đập với nhiều hình thức tàn bạo nhưng ông vẫn cắn răng chịu đựng, không khai nửa lời, quyết một lòng trung thành với cách mạng.

Sau 4 tháng tra khảo không thu được kết quả, bọn Mỹ ngụy đưa ông và các đồng đội ra nhà tù Côn Đảo giam giữ biệt lập. Tại đây, ông và các đồng chí lại tiếp tục đấu tranh bằng các hình thức khác như chống khổ sai, chống chào cờ, tuyệt thực. Đỉnh điểm, ông đã tuyệt thực 12 ngày liền; nhiều đồng chí còn tự mổ bụng để phản đối chính sách vô nhân đạo của Mỹ ngụy. Cuối cùng, bọn giặc phải nhượng bộ, cho cộng sản ra ngoài hưởng ánh sáng. Đằng đẵng 5 năm sống trong lao ngục tù đày, đại thắng mùa xuân năm 1975, ông cùng các đồng chí may mắn còn sống sót được trao trả về quê nhà trong niềm vui và hạnh phúc.

Trở về từ nhà tù Côn Đảo, ông càng thấm thía hơn về cuộc sống, và luôn  dặn lòng phải sống cho xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội, xứng đáng là người lính Cụ Hồ. Vợ là công nhân nghỉ hưu, còn ông bám trụ với nghề mộc, nhưng luôn nhiệt tình với công tác từ thiện như lời ông hay nói: “Tôi xuất thân từ gia đình nghèo khổ, nhưng bên cạnh còn có nhiều người khổ hơn. Cũng không giúp được gì nhiều, chủ yếu là tấm lòng và tình cảm thôi”. Hằng ngày, ông vẫn bào, xẻ gỗ trong căn nhà nhỏ nép bên kiệt hẻm tổ 33. Công việc mưu sinh bận rộn, nhưng chỉ cần nghe ai ốm đau, trường hợp nào khó khăn bất hạnh, ông đều tìm đến để chia sẻ.

Dù đã bước qua tuổi lục tuần, ông vẫn đi khắp nơi đưa cháo, đưa sữa cho người già, trẻ em nghèo. Mỗi tháng ông đều dành 10 đến 15 ngày để lo việc xã hội, không kể xa hay gần, nắng hay mưa, bất cứ ở đâu ông cũng đến tìm hiểu, khảo sát các trường hợp khó khăn; rồi đi vận động bà con, bạn bè hỗ trợ giúp đỡ. Mỗi lần như vậy, ông đều tự chuẩn bị tiền đi đường, nhiều lúc phải vay mượn hàng xóm để đi. Nhưng đối với ông, được đến từng vùng miền, gặp gỡ những số phận bất hạnh để chia sẻ với họ là niềm hạnh phúc và có ý nghĩa lớn lao đối với cuộc sống tuổi già.

Ông Võ Văn Đức phát sữa cho trẻ em nghèo.

Luôn chăm lo cho thế hệ trẻ, sợ các cháu sa ngã vào game, vào TNXH, ông đã vận động chi hội mở lớp học tình thương cho trẻ em nghèo trong xóm, kêu gọi được 3 giáo viên đến đứng lớp cho các cháu. Bước đầu gian nan, nhiều phụ huynh chưa tin tưởng chất lượng giảng dạy của lớp học nên từ chối cho con em theo học. Ông phải đến từng nhà vận động, giải thích cặn kẽ cái hay, cái lợi của việc tham gia lớp học. Giờ đây, các phụ huynh trong tổ đều phấn khởi vì con cái tiến bộ lên nhiều. Chị Lê Thị Thắm, tổ 33, cho biết: “Tôi cũng có con học ở lớp học tình thương, nhờ được học tập ở đây mà cháu tiến bộ hẳn, lại không tốn tiền học phí, ba năm liền cháu đều đạt học sinh giỏi. Thật sự biết ơn chú Đức và địa phương đã tạo điều kiện để giúp đỡ con cái của chúng tôi ”.

Hiện nay, ông Đức đang làm Phó chủ nhiệm CLB Đức Tâm, dù chỉ có có 3 thành viên nhưng CLB hoạt động rất tích cực. Mỗi tháng đều đặn 2 lần, CLB đều hỗ trợ nồi cháo tình thương, suất ăn miễn phí cho các bệnh nhân tại Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng. Dù ở cương vị nào, ông Đức cũng đều hoàn thành tốt bằng cái tâm, cái tình của mình. Quả thực, phẩm chất của người tù Côn Đảo trước sau đều như một, dù là trong thời chiến hay thời bình cũng đều giữ được tấm lòng vàng đáng trân trọng. Ông là gương sáng để con cháu lớp sau học tập và noi theo, phấn đấu vươn lên làm đẹp cho đời.

Kim Hiếu