Tâm nguyện của một cựu binh
(Cadn.com.vn) - Giữa lòng thị trấn Ái Nghĩa (H. Đại Lộc, Quảng Nam) ồn ào xe cộ qua lại, có một căn nhà gỗ đơn sơ, mộc mạc, được chủ nhân trang trọng bố trí làm nơi tưởng niệm Bác Hồ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là nhà của cựu chiến binh Nguyễn Nhì (74 tuổi) ở tiểu khu 7 thị trấn Ái Nghĩa.
Di ảnh Bác Hồ và 2 người học trò xuất sắc của Bác là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. |
Quê ông Nhì ở làng Ái Mỹ, xã Đại Hòa. Năm ông 17 tuổi, trong một trận càn của giặc Pháp, mẹ và em gái của ông bị giặc bắt, sau đó bị xả súng bắn chết cùng với nhiều người dân trong làng. Nợ nước, thù nhà chất chồng, ông gia nhập bộ đội, chiến đấu tại Tiểu đoàn 107 thuộc Tỉnh đội Quảng Nam. Đến năm 1954, ông tập kết ra Bắc và được điều về Trung đoàn bộ binh 324 đóng quân ở Nghệ An, sau đó, lại chuyển sang làm tham mưu trưởng Tiểu đoàn pháo cao xạ bảo vệ sân bay Kép ở Bắc Giang, rồi ngược về miền Trung đóng quân tại khu vực Vũng Chùa (H. Quảng Trạch, Quảng Bình). Ngay tại địa điểm này, đơn vị pháo của ông đã bắn rơi máy bay Mỹ ngay trên quê hương của Đại tướng.
Năm 1969, nghe tin Bác Hồ mất, trong thâm tâm ông đã có ý định lập bàn thờ Bác khi trở về quê nhà. Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, trở về quê hương, ông quyết tâm thực hiện tâm nguyện ấy. Căn nhà năm xưa của ông bị giặc đốt cháy rụi chỉ còn trơ lại mấy cột gỗ. Chạnh lòng, xót xa nhưng ông vẫn cố gắng gom những cây xà, những cột gỗ còn sử dụng được gầy dựng lại ngôi nhà nhỏ để lập bàn thờ Bác.
"Cuộc đời tôi nếu không được cách mạng giác ngộ, được Đảng, Bác Hồ soi sáng tư tưởng, chỉ bảo thì tôi không có ngày hôm nay. Chính vì vậy tôi phải luôn một lòng một dạ với Đảng với dân, để xứng đáng với Bác", ông Nhì bày tỏ. Vậy là ông bắt đầu chắt chiu dành dụm để xây dựng lại căn nhà gỗ thờ Bác. Người vợ của ông là một bác sỹ quân y cũng ủng hộ ông hết lòng. Đến cuối năm 2012, những người bạn, đồng chí của ông ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Nghệ An đã cung cấp hiện vật, tư liệu, ảnh cũng như kinh phí để ông xây dựng nhà tưởng niệm Bác.
Đến cuối năm, nhà tưởng niệm đã cơ bản hoàn thành. Nhà được dựng hoàn toàn bằng gỗ với hơn 30 cây cột gỗ tốt (trong đó có 4 cột chính là ở căn nhà cũ), nền nhà được lát bằng gạch Bát Tràng, móng được xây bằng đá tảng. "Trong quá trình làm nhà, ngày nào tôi cũng nhận được hiện vật quí của những đồng chí xa gần. Có người lặn lội từ ngoài Nghệ An vào để tận tay đưa cho tôi chiếc radio đã theo mình suốt thời gian binh nghiệp. Có những người bạn gửi những tấm ảnh vô cùng quý giá về con đường Trường Sơn lịch sử trong chiến tranh chống Mỹ, những bằng chứng lịch sử về sự gian khổ của những người lính trong chiến tranh", ông Nhì nhớ lại.
"Con đường Trường Sơn huyền thoại" trong nhà ông Nguyễn Nhì. |
Ngày 3-2-2013, ông Nhì an vị di ảnh Bác lên bàn thờ cùng sự chứng kiến của nhiều bạn bè đồng chí và người dân. Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, vì nhiều lý do ông không thể ra Quảng Bình dự tang Đại tướng. Với lòng kính trọng những vị lãnh đạo đã quá cố của dân tộc, ông an vị 2 di ảnh của Đại tướng và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở bên trái và bên phải di ảnh của Bác Hồ.
"Sau này tôi mất đi, con cháu của tôi phải có trách nhiệm trông coi, bảo quản chu đáo nhà thờ và hương khói thờ phụng các vị anh hùng dân tộc ấy", ông Nhì khẳng khái.
Vĩnh Hàn