Báo Công An Đà Nẵng

Tầm nhìn xa… 1 cen-ti-mét

Thứ sáu, 19/09/2014 07:20

(Cadn.com.vn) - Có lẽ tôi không bao giờ quên cái cảnh cậu sinh viên khiếm thị năm hai ngành Sư phạm Toán (Đại học Sư phạm Đà Nẵng) Phạm Phú Thịnh (1995), người Quảng Nam ấy. Với cậu, những giờ phút trên giảng đường luôn ở tư thế gục mặt sát xuống bàn để đọc, viết và đôi tai mở hết thính lực để nghe bài giảng.

Đôi bạn dắt nhau đến trường.

Phải vất vả lắm Phạm Phú Thịnh mới “lọt” ra được cái cổng trường khi tan học. Em bảo: “Khổ quá anh à. Mắt của em bị nặng lắm rồi. Giờ chỉ nhìn được trong vòng 1 cm. Tật mắt bẩm sinh. Nhưng, thôi kệ thế này là  may mắn lắm rồi”. Cái chặc lưỡi của cậu sinh viên năm hai này không khỏi làm tôi chạnh lòng. Trời! Tầm nhìn xa chỉ có cỡ là 1 cm mà may mắn ư? Thì ra, Thịnh đem so sánh mình với những người mù lòa.                     

12 năm đèn sách, thi đỗ vào Trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng để rồi mỗi giờ lên lớp phải gục mặt, nằm sấp xuống bàn để học. Tôi hỏi tại sao không dùng chữ nổi (braille) thì Thịnh bảo rằng ngày trước em cũng có học, nhưng không bao giờ em muốn mình là người mù lòa vậy nên cố gắng đeo đuổi con chữ như những người bình thường khác. Tại sao em vẫn còn nhìn được trong tầm 1 cm mà không học hành như những người bình thường khác, đó là câu hỏi luôn dằn vặt trong cậu sinh viên nghèo xứ Quảng này.

Thịnh tâm sự: “Cả ba chị em sinh ra đều bị tật nặng ở mắt như thế này cả. Nhưng, bố mẹ em luôn động viên và nuôi ước mơ học hành trong chúng em. Chị cả của em cũng vậy, mắt giờ không còn nhìn được tốt nữa, nhưng đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM năm vừa rồi”. Nói đến đây Thịnh nở nụ cười, như báo hiệu rằng những người không may mắn trên thân thể thì chưa chắc đã không may mắn trên con đường học hành.                    

Cuộc sống sinh viên, năm thứ nhất mẹ của Thịnh phải rời cái vùng quê Tam Vinh, Phú Ninh (Quảng Nam) để ra Đà thành cùng ăn, cùng ở và đưa em đến trường. Một năm tròn hai mẹ con mớ rau, miếng cháo qua ngày để Thịnh được nuôi giấc mơ đến giảng đường. Thịnh nước mắt ngắn nước mắt dài mà rằng: “Sau một năm, em đã quen với cuộc sống sinh viên, vả lại nếu mẹ em cứ theo em đằng đẵng suốt mấy năm học hành thì ở quê nhà biết làm sao. Còn việc đồng áng, còn gia đình họ hàng và nhất là đứa em của em nữa chứ. Thế là em bảo với mẹ rằng mình tự lo việc học hành và sinh hoạt được, mẹ hãy về quê lo đồng áng chứ theo em thế này thì nhà kiệt quệ về kinh tế mất”.

Phạm Phú Thịnh, chàng sinh viên “gục đầu trên bục giảng”. 

Thời gian đầu không có mẹ, em phải nhờ bạn bè đưa đến trường, dìu vào tận cái bàn học để rồi bắt đầu những giờ gục mặt, nằm sấp mà học lấy học để. Hôm nào không có ai thì cứ bám theo lề đường Phạm Như Xương mà đi, gặp ai trên đường thì nhờ dắt đi giùm. Có hôm ngã sóng soài, bầm dập mặt mũi, đâm vào gốc cây ở trên vỉa hè dúi dụi. Cảm thông trước hoàn cảnh của Thịnh, người bạn chung lớp là Nguyễn Đình Vũ (1995) cùng quê chuyển đến ở chung, hằng ngày nấu nướng, giặt giũ và dắt Thịnh đi học.

Cái khó nhất mà Thịnh bảo với tôi không phải là việc sinh hoạt mà chính là những con chữ, con số. Thịnh bảo: “Nhiều cuốn sách về toán học rất hay ở thư viện nhưng đã quá lâu hay mua sách cũ ở tiệm thì con chữ kèm nhèm chả thấy đường mà đọc. Cho dù em đã cố gắng ghì sát trang sách vào mắt mình, dán mắt vào sách mà cũng chả đọc được. Cách duy nhất là nhờ bạn bè đọc để nghe thôi”.                                                          

Uớc mơ duy nhất của cậu sinh viên năm hai đặc biệt này không phải là một thứ gì cao sang mà liên quan đến cái ngành sư phạm Toán mà em đang học. “Nếu ra trường em sẽ dạy cho những người khiếm thính, mù lòa, tật nguyền về toán học. Làm gì cũng phải tính toán hết thảy, biết tính toán thì việc gì cũng giải quyết được phải không anh?”. 

Tôi không trả lời, chỉ nhủ rằng trong cái khối óc sáng sủa đối nghịch với đôi mắt phía trước là bóng đen kia đang hun đúc một điều hết sức trong sáng và có ích cho xã hội, nhất là những người ông trời không ban cho một thân thể nguyên toàn.                              

Cậu bạn Vũ lên tiếng: “Anh! Anh đi nhiều có nơi nào anh thấy giáo viên khiếm thính, mù lòa đứng trên bục giảng dạy cho những học sinh bình thường chưa?”. Không đợi tôi trả lời, Thịnh cắt ngang mà rằng mù lòa thế này thì làm sao đứng lớp như những giáo viên bình thường được chứ. Một cái nấc nghẹn ngào của hai người may mắn và một người thiếu may mắn đánh ực xuống cổ họng.                                                                

Cái máy ảnh huơ huơ trong tay, nhưng tôi không biết phải chọn góc ảnh như thế nào để lấy được khuôn mặt quắc thước ấy đang đọc sách. Có chăng cậu sinh viên gục đầu trên bục giảng, dán mặt vào trang sách kia sẽ ngẩng đầu trong tương lai và tầm nhìn xa của cậu không dao động trong 1 cm nữa.

Bùi Đức Tú