Tam Quang, mùa biển động
(Cadn.com.vn) - Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam) là xã có đội tàu thuyền đánh bắt hải sản nhiều nhất H. Núi Thành. Toàn xã có 382 phương tiện với tổng công suất máy 9.375 CV, trong đó tàu lưới vây, câu mực khơi đánh bắt xa bờ 40 chiếc, công suất máy mỗi chiếc hơn 350CV. Năm 2013, ngư dân xã Tam Quang đã được Nhà nước hỗ trợ 10,130 tỷ đồng để cải hoán, đóng mới tàu thuyền. Nhờ vậy, các hộ Huỳnh Văn Diệp, Đỗ Nhật, Trần Ly đóng thêm 4 chiếc tàu, mỗi chiếc có kinh phí đầu tư hơn 4 tỷ đồng với công suất máy 600CV.
Điều đáng mừng là số tàu thuyền đánh bắt hải sản ở Tam Quang được trang bị đầy đủ các thiết bị như máy dò cá, trong đó máy dò ngang IFC 3 cái, máy dò đứng 382 cái, máy Icom 105 cái và máy nhắn tin định vị toàn cầu 30 cái. Nhờ vậy, thông tin kết nối thông suốt từ ngư trường biển đảo đến đất liền. Kết thúc mùa khai thác hải sản năm nay, một số tàu đánh bắt xa bờ ở xã đạt sản lượng cao như tàu lưới vây đêm ông Phạm Xuân Anh, Phạm Xuân Lệ, Trần Long, Trần Chinh, mỗi tàu đạt doanh thu từ 5 đến 6 tỷ đồng, trừ chi phí, mỗi lao động thu nhập 60 đến 65 triệu đồng, riêng chủ tàu lãi từ 1,4 đến 1,6 tỷ đồng. Tuy vậy, do thời tiết năm nay không thuận lợi, tuy có lượng tàu thuyền khá hùng hậu nhưng Tam Quang chỉ khai thác được 14 ngàn tấn hải sản các loại, giảm hơn 2.000 tấn so với năm 2012 và đạt 87% kế hoạch khai thác cả năm.
Tàu thuyền ngư dân Tam Quang về bến trong những ngày biển động. |
Ông Nguyễn Hữu Định, cán bộ phụ trách ngành Hải sản xã Tam Quang lý giải: "Đội tàu Tam Quang có nhiều phương tiện công suất máy lớn, trang bị đầy đủ trang thiết bị thông tin liên lạc, đủ sức bám biển xa bờ và dài ngày (chỉ trừ những ngày bão). Tuy nhiên, năm nay sản lượng đạt thấp và hiệu quả đánh bắt chưa cao là do thời tiết xấu, bên cạnh đó giá dầu và các mặt hàng thiết yếu tăng cao, giá hải sản bán ra lại thấp".
Có dịp ngồi với những ngư dân dạn dày sóng gió trong những ngày biển động mới thấu hiểu thêm tâm trạng của họ. Ông Trần Bẹn, chủ tàu đánh bắt xa bờ QNa 90216 (thôn Sâm Linh Đông) thổ lộ: "Nhà nước khuyến khích đánh bắt xa bờ nhưng ngư dân còn gặp nhiều khó khăn mà chưa có biện pháp tháo gỡ. Cụ thể như khi bán sản phẩm thì bị tư thương ép giá, chúng tôi mong Nhà nước có phương án hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho các tàu đánh bắt xa bờ để ngư dân đỡ khổ. Mùa biển năm nay, khi đánh bắt ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, có lúc bị tàu nước ngoài quấy nhiễu, gây khó khăn cho ngư dân, tôi mong Nhà nước có phương án can thiệp".
Ngoài những khó khăn nêu trên, một vấn đề khác mà ngư dân quan tâm là công tác đăng ký đăng kiểm cho tàu cá đánh bắt xa bờ còn nhiều bất cập. Theo quy định, cứ 12 tháng tàu cá phải đăng kiểm lại và cơ quan đăng kiểm làm theo lịch 2 tuần đăng kiểm 1 ngày vào thứ 5. Trong khi đó, tàu đánh bắt xa bờ hành nghề trên biển từ 2 đến 3 tháng mới vào bờ... nếu trễ phải chịu nộp phạt (3 triệu đồng/lần). Vì vậy, cơ quan đăng kiểm cần có sự thay đổi cho phù hợp lịch làm việc và thời hạn đăng kiểm đối với những tàu thuyền đánh bắt xa bờ.
Hiện tại ở xã Tam Quang, nhiều tàu đánh bắt ở khu vực Quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa, Trường Sa, vừa khai thác hải sản vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc nên cần được các cấp, các ngành quan tâm hơn. Ông Trần Chinh, chủ tàu đánh bắt xa bờ QNa21658 nhẩm tính: "Một chuyến ra khơi từ 2 đến 3 tháng, mỗi tàu đánh bắt xa bờ phải mang theo 5 tấn dầu diezel, 10 bình nhớt, 1.000 cây đá lạnh, 5 tạ gạo rồi bình gas, nước ngọt, thực phẩm tươi sống...tổng trị giá trên dưới 150 triệu đồng/ 1 chuyến biển. Do vậy, nếu có sự cố quay vào bờ hoặc đánh bắt không đạt yêu cầu là lỗ "tổn" lớn !". Ông Trần La, ngư dân thôn Sâm Linh Tây thực thà nói: "Nghề biển thực ra có mấy ai làm giàu được đâu! Tam Quang tuy có một số tàu đạt sản lượng khá nhưng nhìn đại trà thì nhiều tàu làm ăn thua lỗ, có lao động chỉ chia được 5 đến 10 triệu đồng trong cả một mùa biển này, có tàu doanh thu chỉ đủ "tổn", người lao động không chia được đồng nào, chủ tàu còn phải trả nợ vay ngân hàng...".
Trước thực tế trên, những ngư dân Tam Quang đang mong chờ Nhà nước có những chủ trương, giải pháp tích cực hơn nhằm giúp họ bám biển, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Văn Phin