Báo Công An Đà Nẵng

Tâm sự của những cánh chim non lạc đàn

Thứ sáu, 21/06/2024 13:13

Trần Quang Hùng (tên nhân vật được thay đổi), quê Đắk Lắk, nơi ở P. TânChính, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng là học sinh trường THCS Nguyễn Trãi. Tháng 3-2023, em bị buộc thôi học và được đưa đi giáo dục, rèn luyện tại Trường Giáo dưỡng số 3 - Bộ Công an đóng tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Hùng được sinh ra trong gia đình có hai anh em, khi em lên lớp 6 thì bố mẹ ly dị. Bố vào miền Nam làm thuê và ở hẳn trong đó. Mẹ “đi thêm bước nữa” nên 2 anh em ở với ông bà ngoại. “Để có tiền nuôi cháu, ông ngoại em xin đi làm bảo vệ, bà ngoại thì mua cá gánh đi bán kiếm từng đồng nuôi anh em. Tuy vất vả nhưng ông bà luôn dành tình cảm thương yêu cho các cháu. Hai anh em lớn lên mà thiếu tình yêu thương, che chở, đùm bọc của cha mẹ, chỉ còn chỗ dựa cuối cùng là ông bà ngoại mà thôi”, Hùng nghẹn ngào ngay khi bắt đầu câu chuyện.

Cuộc sống vất vả mưu sinh nên ông bà sức khỏe ngày một suy yếu nhưng Hùng thì vẫn không chịu lớn khôn. Ở độ tuổi còn non trẻ, bản tính bồng bột, hiếu thắng, thích thể hiện và những sở thích cá nhân vô bổ, tiêu cực mà Hùng dần dần rời xa những lời khuyên bảo của ông, bà và hàng xóm, trở thành “một cánh chim non lạc đàn”.

Để có tiền phục vụ cho nhu cầu cá nhân, từ giữa năm 2022, Hùng cùng các bạn đã gây ra 2 vụ trộm xe máy, 1 vụ cố ý gây thương tích và bị Công an quận Thanh Khê ra quyết định xử phạt hành chính, bị UBND phường Tân Chính ra quyết định giáo dục tại xã, phường. Nhưng chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2023, sau khi cùng bạn gây ra 2 vụ trộm điện thoại của bạn học cùng lớp, bị nhà trường ra quyết định buộc thôi học và cuối cùng là phải chấp hành quyết định 15 tháng tại Trường Giáo dưỡng số 3.

“Nhìn vào gương mặt khắc khổ của bà ngoại, những giọt nước mắt của mẹ ở tòa án và thời gian chấp hành mà mình phải gánh chịu, em cảm thấy hụt hẫng, tuyệt vọng, muốn buông xuôi tất cả”, Hùng kể về ngày em nhận quyết định đưa đi giáo dục ở cơ sở đặc biệt.

Trái ngược với những suy nghĩ ban đầu về nơi mình sẽ đến, sự tận tình, ân cần của thầy cô đã giúp Hùng nhận ra sai lầm của mình và dành nhiều thời gian để cải thiện bản thân, làm lại cuộc đời. Qua hơn 5 tháng được rèn luyện, học tập ở trường, được sự quan tâm, yêu thương, động viên của các thầy, cô giáo - những người cha người mẹ thứ hai - Hùng đã dần tự tin hơn và cố gắng học tập, rèn luyện, chấp hành nội quy, quy định của nhà trường.

Đến nay, mỗi lần có các đoàn thanh thiếu niên lên trường tham quan, giao lưu, Hùng cũng mạnh dạn hơn chia sẻ câu chuyện của mình đến với các bạn đồng trang lứa. “Mong các bạn sẽ có những suy nghĩ chín chắn hơn, hành động tích cực hơn và hãy dừng ngay những hành động sai trái, vi phạm cho dù nó đang còn ở trong suy nghĩ. Hãy biết trân trọng gia đình và những người thân yêu của mình, trân quý những điều tốt đẹp mà địa phương, xã hội đã và đang dành cho mình”, Hùng đưa ra lời khuyên sau khi kể về câu chuyện của mình.

Cũng giống như Hùng, em Trần Xuân Trưởng kể đã 3 tháng em không gặp bố mẹ và 5 tháng không được ăn bữa cơm gia đình. Em rất nhớ bố mẹ và mọi người trong nhà. Nói về hoàn cảnh, Trưởng chia sẻ, biết Trưởng có một tật xấu là hay chơi game nên mỗi lần xin tiền để mua dụng cụ học tập, Trưởng lại bị ba mẹ “đánh đồng” và la mắng là lấy tiền đi chơi game. Nhiều lần như vậy, Trưởng không kìm nén được cảm xúc nên cự cãi và nói ra những lời nói không hay. Sau những lần “làm bố mẹ buồn”, Trưởng lại bỏ nhà đi nhiều tháng trời và vi phạm pháp luật nên được đưa đi giáo dục, rèn luyện.

Trưởng kể thêm, có lúc nghỉ học và ở nhà giúp việc gia đình, em cũng lại muốn đi học. Bố mẹ cũng tạo điều kiện cho em đi học trở lại nhưng khi đến trường các bạn lại cười khinh, coi thường là “thằng nhà nghèo” nên em lại bỏ học. “Con xin lỗi bố mẹ! Giờ nghĩ lại thấy con đã sai. Trong mắt bố mẹ con đã lớn nhưng thực chất con vẫn là một đứa trẻ, vẫn muốn được bố mẹ yêu thương quan tâm đến con”, Trưởng khóc.

Trong cuộc sống, không ai là hoàn hảo, sẽ có những lần mắc sai lầm, khuyết điểm. Nhưng quan trọng nhất là có biết cách để sửa chữa những sai lầm đó hay không. Mai đây về với gia đình, với cộng đồng, các em sẽ gặp khó khăn, mặc cảm và cả những cám dỗ. Vì vậy, cần lắm sự quan tâm, chăm sóc từ mái ấm gia đình, sự giúp đỡ, tạo điều kiện hỗ trợ của chính quyền và các đoàn thể địa phương và cộng đồng…

MAI VINH