Tắm trắng, hiểm nguy rình rập
* Bài 1: Tắm một lần “tởn” đến già
(Cadn.com.vn) - Làn da trắng trẻo, mịn màng là điều mà phụ nữ nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, việc bất chấp tính mạng sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc hay đến những cơ sở “tắm trắng” không rõ chất lượng dịch vụ... là vấn đề cần xem lại.
Một ngày trung tuần tháng 6-2012, chị N.T.H. (30 tuổi, trú P. Thủy Châu, TX Hương Thủy, TT-Huế) được người thân đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế trong tình trạng khó thở, phù phổi cấp (phổi bị ứ nước), bí tiểu, nôn mửa nhiều, tức ngực. Người nhà nạn nhân cho biết, trước đó, bệnh nhân đã thực hiện tắm trắng tại tiệm thẩm mỹ Y. L ở TP Huế. Sau khi được kíp trực tận tình cấp cứu, bệnh nhân H. đã qua cơn nguy kịch. Chị H. nhớ lại, theo giới thiệu của một người quen, chị đến tiệm thẩm mỹ Y. L để tắm trắng với giá tiền 700 ngàn đồng.
Sau 2 giờ bôi thuốc khắp mặt và người, H. thấy người choáng váng và rất mệt. Chủ tiệm thẩm mỹ đã pha nước đường cho H. uống và nằm nghỉ. Sau 2 tiếng đồng hồ, uống đến 5 ly nước đường, H. vẫn không thấy đỡ mệt và điện thoại cho em đến đón. Trên đường về nhà, H. mệt lả người nên người em đưa vào BV Trường Đại học Y Dược Huế.
Bác sĩ phòng cấp cứu hôm đó cho biết, da toàn thân nạn nhân đỏ giống như da người tắm biển khi trời đang nắng. Da lòng bàn chân, bàn tay phồng rộp lên, đang lột dần từng mảng. Bác sĩ nghi H. bị nhiễm độc kem tẩy trắng nên đề nghị người nhà của H. điện thoại yêu cầu chủ tiệm thẩm mỹ Y. L đem loại kem đã tắm trắng cho H. đến để biết chính xác H. bị nhiễm độc loại gì nhằm tìm phương án cấp cứu giải độc. Chủ tiệm Y.L đem đến một loại kem, bác sĩ cho rằng, loại kem đó không đúng. Sau đó, chủ tiệm thẩm mỹ đem đến một loại kem khác có nhãn hiệu “Kem tẩy siêu trắng bùn biển cao cấp” viết bằng chữ Hàn Quốc nhưng nơi sản xuất là TPHCM... Lúc đó, các BS cũng phát hiện H. bị mắc bệnh tim bẩm sinh. Mới đây, tình cờ gặp lại H., người phụ nữ này nói: “Từ sau lần tắm trắng đó, em khiếp và “tởn” đến già luôn...”.
Mỹ phẩm, hóa chất tắm trắng không có nguồn gốc được bày bán công khai ở chợ Đông Ba. |
Chị N.T.N.A. (29 tuổi, quê Quảng Trị) làm công nhân tại KCN Phú Bài (TT-Huế), mỗi lần nghe người quen đi “tắm trắng” là hết lời can ngăn bởi chị từng là nạn nhân của tắm trắng. Cách đây 3 tháng, chị A. đến tắm trắng tại một tiệm làm đẹp ở TP Huế. Vừa tắm xong, bước ra khỏi tiệm, chị A. ngứa ngáy khắp toàn thân. “Người tôi như kiến lửa chích. Cảm giác rất khó chịu, đau rát. Rồi, lúc đó tôi choáng và được người quen đưa về nhà”, chị A. nhớ lại. Sau một hồi nằm thiếp đi, chị A. tỉnh dậy mà người vẫn khó chịu, bứt rứt, soi người vào gương, chị thấy nổi vết đỏ từng đám khắp nơi. “Lúc đó, tôi âm thầm thuê xe ôm lên TP Huế để khám bác sĩ da liễu”. Khi bác sĩ hỏi, chị sử dụng loại mỹ phẩm gì để tắm trắng thì chị A. trả lời không biết. Theo bác sĩ, chị bị dị ứng nghiêm trọng do chất tẩy trắng kém chất lượng. Phải sau gần 1 tháng, da của chị mới dần hồi phục.
Một loại kem tắm trắng toàn thân không rõ nguồn gốc. |
Ông Bạch Văn Linh, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh TT-Huế cho rằng, bản chất của các loại kem tẩy trắng da, kem lột da đều là những hóa chất tẩy. Những chất tẩy này khi được thoa lên da sẽ tẩy, làm bong tróc lớp biểu bì trên da, để lại phần da non phía trong, do vậy gây nên ảo giác cho người sử dụng về công dụng làm trắng của nó. Tùy từng loại sản phẩm sẽ có liều lượng tẩy khác nhau, do đó sẽ có độ tẩy trắng khác nhau... Vậy, thực hư “công nghệ” tắm trắng như thế nào mà nhiều người dính vào đều khiếp sợ. Phóng viên trong vai khách hàng đã đến nhiều điểm tắm trắng để tìm hiểu.
Vân Anh
(còn nữa)
Ông Trần Đình Oanh-Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh TT-Huế cho biết, sau khi chị N.T.H. đi tắm trắng tại Spa Y.L và đi cấp cứu, Đoàn thanh tra đã làm việc và có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 triệu đồng về hành vi kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc; đồng thời tịch thu một số lọ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được phát hiện tại cơ sở này. Một số bác sĩ cho biết, có nhiều trường hợp tắm trắng xong bị dị ứng da nghiêm trọng, tuy nhiên do tâm lý e ngại nên họ không báo với cơ quan y tế. |