Tăm tre cũng… nhái
(Cadn.com.vn) - Hiện nay, hoạt động sản xuất tăm tre của người khuyết tật tại Đà Nẵng đang lao đao vì tăm Trung Quốc tràn ngập thị trường. Trong khi đó người tiêu dùng thì như bị "tung hỏa mù" về chất lượng với loại tăm Trung Quốc dán nhãn Việt Nam.
Tăm tre người khuyết tật gặp khó
Là một trong những đơn vị sản xuất tăm tre với số lượng lớn, có uy tín và thương hiệu, cơ sở sản xuất tăm tre của Trung tâm huớng nghiệp sản xuất kinh doanh Mây Tre trực thuộc Hội Người mù TP Đà Nẵng hiện đang lao đao vì tăm Trung Quốc. Với nhãn hiệu tăm tre Hương Quế, đơn vị cung cấp cho thị trường miền Trung và Tây Nguyên khoảng 10-30 tấn/tháng với doanh thu khoảng 380 triệu đồng. Hiện cơ sở này tạo việc làm cho 56 nhân công, trong đó có 30% là người khuyết tật với thu nhập trung bình khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Vừa nhanh tay chọn tre, chọn đũa cho vào bao gói, chị Nguyễn Thị Lệ Em (39 tuổi, nhà ở P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà), hội viên, có "thâm niên" làm ở Trung tâm hơn 10 năm thổ lộ: "Hai vợ chồng tôi đều làm ở đây, nhờ vậy mới có tiền trang trải cuộc sống nuôi 3 đứa con nhỏ. Dù thu nhập chưa nhiều, cuộc sống còn chật vật nhưng công việc vừa sức". Chồng chị Em hiện bị liệt ở chân và làm ở khâu đóng gói. Thu nhập của hai vợ chồng 1 tháng khoảng 4 triệu đồng.
Sản xuất tăm tre tại Trung tâm hướng nghiệp sản xuất kinh doanh Mây Tre. |
Ở Trung tâm, có khá nhiều người gắn bó từ ngày thành lập. "Tui làm ở Trung tâm lâu rồi. Nếu không làm ở đây tui đâu biết làm gì để nuôi sống bản thân", ông Nguyễn Quẹt (64 tuổi, bị khiếm thị, nhà ở P. Mân Thái, Q. Sơn Trà) nói. Ông Quẹt không vợ con, hiện chỉ sống một mình với trợ cấp hơn 210.000 đồng/tháng, cộng thêm tiền làm tăm tre, đũa hàng tháng khoảng gần 2 triệu đồng. Ở Trung tâm còn có trường hợp cả gia đình cùng tham gia làm việc tại đây như bà Nguyễn Thị Lang (48 tuổi, bị khiếm thị) và vợ chồng người con gái bị câm điếc bẩm sinh.
"Hơn 20 năm qua, Trung tâm chúng tôi đã tạo việc làm cho hàng chục người khuyết tật, người khó khăn và tạo được uy tín trên thị trường với mặt hàng sản xuất tăm, đũa... Tất cả hàng đều được sản xuất chú trọng chất lượng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng", ông Trần Viết Linh, Giám đốc Trung tâm nói. Ông Linh cho biết, đơn vị đã cải tiến máy vê tăm, máy xóc tăm, máy cưa que, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng, tăng năng suất cho người khiếm thị từ đó chi phí giảm, năng suất tăng, giá thành hạ. Bên cạnh đó, trung tâm còn liên hệ nhận các hợp đồng của các công ty theo đơn đặt hàng để đảm bảo việc làm thường xuyên cho người lao động để tăng thu nhập cho anh chị em. Tuy nhiên, ông Linh cho biết, hiện tăm Trung Quốc "đội lốt" vỏ Việt Nam dưới các nhãn hiệu: M.T, M.P tràn ngập thị trường với chất lượng chưa đảm bảo gây khó khăn không nhỏ cho những cơ sở sản xuất như Trung tâm.
Cẩn thận với tăm tre Trung Quốc
Khi được hỏi về việc chọn mua tăm để sử dụng trong gia đình, nhiều bà nội trợ đều cho rằng ít để ý chọn lựa. "Mình cứ mua về dùng thôi chứ ít để ý đến thương hiệu, chất lượng. Bố mẹ chồng và hai vợ chồng mình dùng hàng ngày nên cứ cuối tháng là mua chục gói về dùng dần", chị Nguyễn Thu Lan (34 tuổi, cán bộ ngân hàng ở P. Chính Gián, Q. Thanh Khê) thổ lộ. Cũng là một trong những người thường xuyên sử dụng tăm, chị Nguyễn Thanh Hương, bán bún trên đường Thanh Sơn, Q. Hải Châu cho biết mình thường hay mua tăm ở chợ. "Đâu có biết chất lượng thế nào. Cứ thấy gói nào "made in" Việt Nam là mình chọn luôn mua về cho khách dùng và sử dụng ở nhà. Tuy nhiên, nhiều lúc cũng thấy lo lo vì cây tăm được sử dụng tiếp xúc trực tiếp vào miệng, lỡ không đảm bảo thì ảnh hưởng đến sức khỏe", chị Hương nói. Chị Hương bảo, hiện cũng chưa thấy khuyến cáo gì của cơ quan chức năng nên cứ "nhắm mắt" dùng.
Với kim ngạch 23,7 tỷ USD, Trung Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam năm 2013. Bằng chính sách giá tận diệt, nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã và đang triệt tiêu nhiều doanh nghiệp nội địa, trong đó có mặt hàng tăm tre, vốn là mặt hàng Việt Nam có nhiều thế mạnh về nguyên liệu. Dạo một vòng quanh chợ Đống Đa, chúng tôi chọn lấy một vài gói tăm đều có mác "made in" Việt Nam với giá khá "bèo" chỉ vài ngàn đồng. Khi dò hỏi người bán, cũng là người quen ở gần nhà, chị cho biết: "Dán mác thế thôi chứ hầu hết là tăm Trung Quốc đó em. Tăm Việt Nam thì có giá nhỉnh hơn nên bán không lời bằng". Nhìn bằng mắt thường, mở một gói tăm mà chị nói là tăm Trung Quốc ra xem, chúng tôi thấy tăm có màu hồng nhạt rất lạ chứ không có màu trắng ngà tự nhiên. Ngoài ra, nhiều cây tăm còn tận dụng luôn cả chỗ "đốt" tre, nhiều cây được chuốt không đều, chỗ dày, chỗ mỏng. Khi mua hàng, người tiêu dùng cần thận trọng và chọn những sản phẩm tăm có màu trắng đục, sản xuất từ Việt Nam đã có thương hiệu để sử dụng.
Bài, ảnh: Mộc Miên