Báo Công An Đà Nẵng

Tấn công mạnh tội phạm "tín dụng đen"

Thứ năm, 12/03/2020 09:14

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 659 đầu mối cho vay tiền lãi suất cao, với gần 110 đối tượng. Hơn 9.000 người dân là nạn nhân của các đối tượng này. Đáng báo động, tình trạng cho vay nặng lãi đã len lỏi, bám rễ khắp vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai khám xét Cty TNHH  Nhất Tín Phát Gia Lai.

Để ngăn chặn nạn "tín dụng đen" gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Công an tỉnh Gia Lai đã nỗ lực vào cuộc theo dõi và quyết tâm triệt phá các tổ chức cho vay nặng lãi dưới mọi hình thức. Cụ thể, ngày 5-1-2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã triệt phá một nhóm cho vay nặng lãi núp bóng cửa hàng cầm đồ. Lực lượng Công an đã bất ngờ ập vào cửa hàng cầm đồ Phát Lộc tại địa chỉ 19 Lý Nam Đế, P. Trà Bá, TP Pleiku và bắt quả tang 4 đối tượng gồm: Đoàn Việt Đức (tên thường gọi Đức "Game", 1978, trú TP Pleiku), Nguyễn Bảo Ngọc (1994, trú TP Hà Nội), Nguyễn Đắc Duy Hòa (2001, trú H. Chư Sê) và Lê Vạn Ngọc (1997, trú TP Pleiku) đang có hành vi cho vay nặng lãi thông qua giao dịch dân sự. Tại đây, Công an đã phát hiện, thu giữ nhiều giấy tờ, tài sản, hợp đồng và tờ rơi quảng cáo. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tạm giữ hình sự 4 đối tượng và tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.

Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Gia Lai đã xóa sổ một tụ điểm cho vay nặng lãi của Cty TNHH  Nhất Tín Phát Gia Lai (trụ sở 95 Lê Duẩn, TP Pleiku), bắt 7 đối tượng và khám xét 4 chi nhánh của Cty này. Thủ đoạn của Cty TNHH Nhất Tín Phát là thông qua mua bán, cho thuê ô-tô, xe máy... để hoạt động cho vay lãi suất 4.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương 144%/năm; tổng số tiền thu lợi bất chính ước tính hàng chục tỷ đồng của hàng nghìn người. Quá trình mở rộng điều tra, lực lượng chức năng phát hiện, Cty này còn có nhiều địa điểm kinh doanh tại nhiều địa phương trong cả nước như Bình Định, Đắk Lắk, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam…

Thủ tục nhanh gọn, đáp ứng kịp thời nguyện vọng, do vậy, hình thức cho vay nặng lãi là sự lựa chọn của nhiều người nghèo. Vì không có vốn, nên họ không mảy may suy tính đến lãi suất, chấp nhận vay tiền và ngay cả phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật,… cũng được mua nợ với cam kết trả lãi bằng những sản phẩm nông sản sau thu hoạch để rồi rất nhiều gia đình không có khả năng thanh toán lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Ông Ksor Dák- Trưởng thôn Wôr, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa cho biết: Cả buôn có 155 hộ có tới hơn 100 hộ vay các chủ nợ. Người dân vừa bị vay lãi suất cao, vừa bị ép giá nông sản nhưng vì cần tiền để trang trải kế sinh nhai hàng ngày nên buộc phải vay, dẫn đến nghèo càng nghèo thêm.

Ngoài việc cho vay lãi suất cao, ép giá nông sản, các đối tượng còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân lừa cho vay tiền để chiếm đoạt đất. Điển hình như vụ hai chị em Nguyễn Thị Thu  và Nguyễn Thị Hồng (trú thôn Ia Sa, xã Hbông, H. Chư Sê), từ tháng 7-2016 tổ chức cho vay tiền bằng hình thức thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng thực tế là lừa chuyển nhượng đất của 16 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Hbông. Trong số này, 12 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân đã hoàn thành thủ tục sang tên đổi chủ cho bà Nguyễn Thị Thu và nhiều người khác được bà Thu nhờ đứng tên. Các hộ dân không chỉ mất đất mà vẫn phải trả lãi vay theo cam kết 0,9%/tháng.

Đại tá Phan Thanh Tám- Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai khẳng định, tất cả 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều có hoạt động "tín dụng đen". Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ cử lực lượng xuống phối hợp với chính quyền cơ sở nắm chắc hoạt động của các đối tượng cho vay, đồng thời sẽ có biện pháp quyết liệt xử lý các đối tượng này nhằm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn.

G.L