Báo Công An Đà Nẵng

Tận dụng cơ hội từ EVFTA: Chủ động tạo “giấy thông hành”

Thứ hai, 03/08/2020 18:00

Nếu EVFTA được ví như đại lộ hay đường cao tốc kết nối thương mại Việt Nam - EU thì chất lượng sản phẩm và đáp ứng quy tắc xuất xứ chính là “giấy thông hành” để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả các ưu đãi về mặt thuế quan, nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường EU.

Các chuyên gia khẳng định, chất lượng và uy tín chính là “giấy thông hành” để hàng hóa, đặc biệt là nông sản Việt Nam có thể tham gia cuộc đua đến thị trường EU.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương khuyến nghị, EU là thị trường xuất khẩu quan trọng nhưng có nhiều rào cản kỹ thuật. Muốn tiếp cận và khai thác hiệu quả, người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu đều phải xây dựng kế hoạch dài hạn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác, thu hoạch lẫn chế biến. Đặc biệt phải chủ động hợp tác, liên kết để xây dựng chuỗi giá trị có quy mô lớn, đáp ứng được yêu cầu số lượng lẫn chất lượng hàng hóa.

Một vấn đề khác mà nông nghiệp Việt Nam nói chung, nông lâm thủy sản phải chú trọng khắc phục để chinh phục thị trường EU là nâng cao mức độ hiểu biết và tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, đảm bảo tính bền vững của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Là người theo sát hoạt động sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San nhận định, nông dân chính là yếu tố quyết định cho sự thành bại trong quá trình xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào EU.

Do đó, để gia tăng được sản lượng và giá trị nông sản vào EU, từ bây giờ Nhà nước phải đề ra chiến lược nông nghiệp rõ ràng, lâu dài. Quan trọng nhất là tổ chức sản xuất cho người dân, hướng dẫn nông dân liên kết, sản xuất theo các quy trình, tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng quan điểm, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao nhấn mạnh, chất lượng và uy tín chính là “giấy thông hành” để hàng hóa, đặc biệt là nông sản Việt Nam có thể tham gia cuộc đua đến thị trường EU. Để có nông sản chất lượng, đạt tiêu chuẩn cần giải quyết đồng bộ các vấn đề từ nhận thức của người sản xuất đến chiến lược phát triển của cả ngành nông nghiệp.

“Không thể kinh doanh, xuất khẩu nông sản với những hộ sản xuất nhỏ lẻ, mỗi người một kiểu mà bắt buộc phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất lớn để ứng dụng công nghệ cao, tạo ra hàng hóa số lượng lớn với chất lượng đồng bộ. Hơn nữa, muốn xuất khẩu đi xa thì khâu bảo quản và chế biến cần được cải thiện ngay, vừa duy trì chất lượng vừa nâng cao giá trị cho nông sản” - bà Hạnh nêu giải pháp.

Tuy nhiên, việc này không chỉ là trách nhiệm của nông dân mà cần sự định hướng và hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Nhà nước. Cơ quan quản lý không chỉ đề ra chủ trương, chiến lược mà phải thúc đẩy triển khai trong thực tế và giám sát tiến độ, kết quả theo từng giai đoạn cụ thể.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị, Nhà nước và ngành nông nghiệp cần có cơ chế cụ thể để khuyến khích nông dân tham gia các hình thức sản xuất tập thể như hợp tác xã, nông trường, nông trại để hình thành các vùng cây trồng tập trung, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Chỉ có sản xuất quy mô lớn mới có thể đẩy mạnh ứng cụng cơ giới hóa, các kỹ thuật cao và duy trì giám sát thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn, giúp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành mà vẫn đảm bảo chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ bảo quản và chế biến sâu, tiến tới xây dựng chuỗi giá trị kéo dài từ nông trại đến bàn ăn bằng cách kết nối từ sản xuất-thu hoạch-bảo quản-chế biến-phân phối-tiêu dùng.

XUÂN ANH – CÔNG PHONG (TTXVN)