Tàn giấc mơ hoa!
Giữa năm 2020, thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành đã làm cơn sốt lan đột biến bất ngờ “đột quỵ”, giá lan đột biến rớt thê thảm. Nhưng thê thảm hơn là lắm người trót đổ tiền đầu tư vào lan đột biến giờ chỉ biết ngậm ngùi ngắm... hoa tàn và giấc mộng làm giàu từ lan đột biến cũng tan biến.
Giàn lan đột biến có giá tiền tỷ của anh Hoàng Thanh nay chỉ còn gốc, không lá.
Nhớ lại câu chuyện cách đây gần 2 năm, anh Hoàng Thanh đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng ngôi nhà rộng hơn 100m2 trên đường Cẩm Bắc (P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) để trồng lan đột biến. Căn nhà vừa hoàn thành cũng là lúc hàng trăm giò lan, với nhiều chủng loại được chủ nhà vận chuyển từ nơi khác về trưng bày. Nghe Hoàng Thanh giới thiệu, đây là giò phi điệp, kia là giả hạc 5 cánh trắng... tôi chỉ biết ậm ừ cho qua chuyện.
Viễn cảnh “tỷ phú” lan đột biến dường như hiện ra trước mắt, khi có vườn lan nói trên, con đường Cẩm Bắc bỗng rộn rã hẳn lên, người xe cứ tấp nập đến để chiêm ngưỡng, giao dịch. Ngoài ra, những đoạn phát trực tiếp mời tham quan vườn lan được người phát khéo léo mời gọi mọi người cùng “giao lưu”, “sưu tầm”. Hoàng Thanh không ngại “nổ” rằng, đầu tư lan đột biến là đầu tư trí tuệ, xuống tiền lúc này là kẻ thức thời, chẳng mấy chốc là lãi to. Vì, mỗi Kie (mầm cây con được tách ra từ cây mẹ) khoảng từ 1,5 - 3,5cm của lan đột biến có giá 3-5 triệu đồng.
Cũng theo lời Hoàng Thanh, hiện tại vườn lan của anh liên tục nhận đơn đặt hàng của khách ở Quảng Nam, Kon Tum... nhưng không có để giao. Ngoài việc bán những mầm cây con vừa được tách, chủ vườn còn cập nhật, trao đổi những giống lan đột biến mới cho vườn lan thêm phong phú, đa dạng về chủng loại.
Thế rồi, cái thời “xe ngựa” dập dìu ấy cũng mau chóng qua đi. Vườn lan ngày một đìu hiu, ngày ngày chỉ thấy hình bóng của mỗi người chủ lẻ bóng... đi về. Và, thỉnh thoảng dăm bảy ngày lại có vài ba người xăm trổ đến đây không phải để mua mà đến để “xin”... lại tiền vì giò lan vừa mua không phải là giống đột biến như người bán quảng cáo. Thế là, tiền trả lại cho người mua còn không có lấy đâu để đầu tư nên vườn lan của Hoàng Thanh giờ chỉ còn gốc, chẳng thấy... lá.
Tương tự, cuối năm 2019 khi thấy nhiều người bạn phất lên nhờ lan đột biến anh N.C bàn với vợ đem sổ đỏ “cắm” vào ngân hàng vay 1 tỷ đồng làm vốn đầu tư. Những ngày ấy, tầng 1 của ngôi nhà rộng gần 150m2 được treo đầy những giò lan chẳng còn lối để đi. Thế nhưng, là tay mơ song nghề trồng lan vốn lắm công phu, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao nên chẳng mấy chốc vườn lan của anh C. bị “úa tàn” theo... năm tháng. Thế là, lãi đâu chẳng thấy, chỉ thấy cán bộ ngân hàng đến thu tiền hàng tháng. Không còn tiền để thanh toán gốc, lãi vay vợ chồng anh C. đành bán nhà trả nợ. Ngoài ra, tại nhiều địa phương, như: Quảng Nam, Kon Tum... cũng có người lâm vào cảnh dở khóc, dở cười khi trót đầu tư vào lan đột biến.
Theo nhiều người có thâm niên, nghề trồng, mua bán lan đột biến chỉ có một thời. Ai chớp được thời cơ thì người ấy làm giàu, thế nhưng người giàu lên thì ít mà người nghèo đi lại nhiều. Khó có thể kể hết những lý do dẫn đến thất bại, trước hết là việc mua bán qua mạng lan đột biến dưới dạng cây con (Kie) tiềm ẩn nhiều rủi ro, rất dễ bị lừa từ những đối tượng bán Kie đểu. Vì, chỉ có thể nhận biết là hàng thật hay giả khi cây đã ra hoa nên nhiều người vì tin vào lời hứa của người bán đã mua phải hàng giả, hàng dỏm... Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên người bán nhiều hơn kẻ mua, những giò lan đột biến có giá cả trăm triệu nay chỉ còn vài triệu hoặc thấp hơn nữa. Thế là, gánh nặng nợ nần đã đẩy nhiều người kinh doanh lan vào cảnh đường cùng. Bên cạnh đó, sau khi cơn sốt lan đột biến qua đi, nhiều vụ việc lừa đảo bị phanh phui và cơ quan chức năng vào cuộc, cảnh báo nên người mua cũng cảnh giác hơn...
Thật ra, trồng và thưởng ngoạn hoa phong lan là thú chơi tao nhã đã có từ xưa song để làm giàu từ lan thì ít được nghe. Vì thế, đừng vội nhìn vào những lời đồn thổi, những chiêu trò của những kẻ kinh doanh lan thổi lên mà đem cả gia sản đổ vào thì quá mạo hiểm để rồi... vỡ mộng như anh Thanh, anh C...
M.T