Báo Công An Đà Nẵng

Tan hoang rừng giáp ranh Đắc Lắc-Gia Lai

Thứ hai, 17/11/2014 09:00

(Cadn.com.vn) - Nhận được tin báo "lâm tặc" đang ngày đêm "ăn hàng" tại các cánh rừng ở H. Krông Năng (Đắc Lắc), ngày 11-11, chúng tôi theo chân các "thổ địa" từ trung tâm xã Cư K'lông (H. Krông Năng) vượt gần chục ki-lô-mét đường đất đỏ gập ghềnh đến trại bò Ma Thiên (thôn Cư Klông, xã Cư Klông). Từ đây, chúng tôi tiếp tục leo lên quả đồi trọc nằm chếch bên phải trại bò, đến cánh rừng đang bị lâm tặc ngày đêm "xẻ thịt". Ngoài bìa rừng, cây gỗ mọc thưa thớt, xung quanh có nhiều khúc gỗ to đã mục nát. Thấy chúng tôi đưa máy ghi hình, một thổ địa "can ngăn", bảo phải dành pin để vào sâu trong rừng chụp gỗ quý vừa bị "xẻ thịt" nằm la liệt cho... "sướng"!

Đúng như lời thổ địa, càng vào trong, chúng tôi bắt gặp 2 điểm cắt gỗ với nhiều cây bình linh, kháo vàng bị "xẻ thịt" nằm san sát nhau. Phần gốc cây còn ứa nhựa, nhiều đoạn thân gỗ lâm tặc lỡ cắt ngắn so với tiêu chuẩn bị vứt lại cùng phần ngọn. Có cây gỗ đường kính khoảng 70cm bị đốn hạ, lá xanh um nhưng lâm tặc "quên" mang đi. Đi vào trong, gỗ quý bị đốn hạ được chúng tôi ghi nhận càng nhiều hơn. Đập vào mắt chúng tôi là một điểm lâm tặc "cạp" gỗ nằm ngay trên con đường mòn. Tại đây, chúng tôi bắt gặp cây gỗ quý có đường kính gần 1m bị đốn hạ với phần gốc nằm "cô đơn" bên miệng vực sâu. Một phần cây gỗ này bị lâm tặc xẻ hộp mang về xuôi, phần còn lại may mắn được nằm lại "nơi mình sinh ra" do bị lâm tặc bỏ rơi vì không kéo lên mép rừng để cắt được.

Băng rừng đi tiếp, chúng tôi lại bắt gặp điệp khúc gỗ quý bị đốn hạ. Lần này là những cây gỗ đỏ có đường kính rất nhỏ, chỉ khoảng 40cm nhưng lâm tặc cũng không tha. Đi một đoạn, chúng tôi lại thấy một cây gỗ to bị lâm tặc cưa 1/7 thân cây nhưng chưa ngã. Người dẫn đường giải thích, đây là ký hiệu do lâm tặc tạo ra để giành lãnh địa, nhằm báo cho đồng nghiệp biết vị trí này đã có chủ khai thác. Khi đến cuối con đường mòn, chúng tôi phát hiện 2 điểm "cạp" gỗ lớn khác. Điểm đầu tiên là 3 cây kháo vàng có đường kính hơn 1m bị lâm tặc "xẻ thịt" trước đó 1 ngày.

Tại hiện trường, nhiều lóng gỗ vuông được lâm tặc "gửi" lại vì gỗ nhiều mang đi không hết. Cạnh đó mấy chục mét, một cây gỗ dổi với đường kính tương tự đã bị đốn hạ. Lâm tặc cắt ngắn thành nhiều khúc nhưng còn "gửi" tại chỗ để xí phần. Xung quanh 2 điểm này, chúng tôi thấy có nhiều cây gỗ khác bị đốn nằm ngổn ngang. Đi đến đây, người dẫn đường bảo chúng tôi quay lại để đi qua đường khác vì nếu vượt qua con suối trước mặt sẽ đến địa phận quản lý của tỉnh Gia Lai. Theo lời người dẫn đường, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình thì cũng thấy gỗ bị đốn hạ rất nhiều.



Những cây gỗ quý bị lâm tặc xẻ thịt và cắt thành phách còn "gửi" lại rừng.

Một điều được chúng tôi ghi nhận trong chuyến đột nhập lãnh địa lâm tặc là sau khi cắt gỗ, lâm tặc thường xẻ thành hộp vuông vắn rồi dùng trâu, bò kéo gỗ đi. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi tại những vị trí rừng bị xâm hại, chúng tôi thấy rất nhiều bìa gỗ bị vứt lại sau khi lâm tặc xẻ hộp. Chúng tôi cũng bắt gặp nhiều phân trâu bò trên đường, những vết chân trâu bò in lún sâu trên đường do chủ ép kéo gỗ quá tải. Lâm tặc khai thác đến đâu thì mở đường đến đó. Có những đoạn dốc, lún, lâm tặc cắt những đoạn gỗ có kích thước to bằng bắp chân người rồi xếp ngang trên đường để trâu dễ dàng kéo gỗ đi.

Theo tìm hiểu, để vận chuyển gỗ từ vị trí rừng chúng tôi đột nhập xuống xuôi, lâm tặc thường vận chuyển qua con đường gần đoạn rẫy cà-phê (thuộc thôn Cư Klông) để về thôn trước khi vận chuyển đi các nơi khác. Chúng tôi theo chân người dẫn đường đột nhập vào các nhà dân dưới thôn thì thấy nhiều đống gỗ hộp xếp trước nhà. Gỗ tươi rói, không có dấu búa Kiểm lâm, vừa được khai thác từ rừng về.

Sau những gì đã ghi nhận được trên chuyến đi, chúng tôi đặt nghi vấn về việc rừng bị lâm tặc "xẻ thịt" ngày đêm, rồi những điểm tập kết gỗ tại nhà dân nằm lù lù nhưng không thấy Kiểm lâm địa bàn, cũng như chủ rừng đến xử lý thì liệu có sự tiêu cực, tiếp tay hay không? Về điều này, người dẫn đường chau mày: "Các anh biết rồi còn hỏi".



Lâm tặc đánh dấu vị trí để phân vùng lãnh địa và lót đường để trâu kéo gỗ.

 "Thổ địa" dẫn đường khẳng định, khu rừng chúng tôi đã xâm nhập thuộc địa phận thôn Cư Klông, xã Cư Klông. Trong buổi làm việc vào cuối buổi chiều ngày 11-11, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Cư Klông cũng xác nhận vị trí đó nằm ở tiểu khu 306, thuộc quản lý của UBND xã Cư Klông. Ông Thắng cho biết, đơn vị được giao quản lý tổng cộng 1.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích có rừng chiếm khoảng 400ha. Riêng tiểu khu 306, diện tích lâm nghiệp là 590 ha, diện tích có rừng chiếm 50ha. Hiện nay, rừng thuộc quản lý của xã bị xâm hại rất ít, chủ yếu là kẻ gian khai thác từ nơi khác rồi trung chuyển qua đây.

Khi nhóm P.V trưng ra những bằng chứng đã thu thập gỗ bị "xẻ thịt" trong rừng thì ông Thắng tỏ ra bất ngờ. Ông Thắng cũng thừa nhận có trường hợp người dân vào rừng cắt gỗ về giấu để làm nhà. Chúng tôi đặt vấn đề tại sao không bắt, ông Thắng lý giải gỗ đưa về nhà rồi thì chỉ phối hợp với Kiểm lâm chứ mình không đủ thẩm quyền. Khi được hỏi xã có báo cho Kiểm lâm không, ông Thắng thừa nhận có báo, nhưng do số lượng gỗ báo chưa chính xác và lãnh đạo Hạt luôn biến động nên lúc người mới lên thay phải mất thời gian để nắm bắt địa bàn rồi mới xem xét, xử lý được...

Điều chúng tôi không hiểu là sáng sớm hôm sau (12-11), ông Thắng lại gọi điện cho một P.V trong đoàn thông báo vị trí rừng bị phá mà chúng tôi đã ghi nhận vào ngày 11-11 thuộc địa phận tỉnh Gia Lai chứ không phải tiểu khu 306 như ông đã thừa nhận trước đó. Cũng trong sáng 12-11, chúng tôi liên hệ Hạt Kiểm lâm H. Krông Năng để làm việc. Một lãnh đạo Hạt kiểm lâm cảm ơn P.V đã cung cấp thông tin, đồng thời cho biết do vị trí P.V trình báo nằm giáp ranh với Gia Lai nên Hạt sẽ cử người kiểm tra lại xem vị trí đó thuộc tỉnh nào, sau đó sẽ báo lại cho P.V. Đến trưa ngày 14-11, vẫn chưa thấy vị này báo tin.

Hữu Phúc