Báo Công An Đà Nẵng

Tan hoang rừng giống A Sờ

Thứ năm, 30/04/2015 09:20

(Cadn.com.vn) - Cách thị trấn P'rao (H. Đông Giang, Quảng Nam) khoảng 20 km về hướng Tây Nam, khu rừng giống cây bản địa, gồm lim, kiền kiền... thuộc địa bàn thôn A Sờ (xã Macooih, H. Đông Giang) được Nhà nước xếp vào loại rừng quý hiếm, cần được bảo vệ khẩn cấp. Nhưng xem ra mọi nỗ lực bảo vệ của các lực lượng chức năng vẫn như "muối bỏ bể" trước sự tàn phá của lâm tặc. Nghiêm trọng hơn, tình trạng khai thác gỗ trái phép tại rừng lim giống A Sờ diễn ra trong một thời gian dài nhưng không bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Trung tuần tháng 4-2015, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có chuyến thực địa khu rừng giống trên để ghi nhận tình trạng lâm tặc tàn phá rừng tại đây. Khi đến Đồn CA bảo vệ thủy điện A Vương, chúng tôi được Trung tá Nguyễn Đăng Thời trực tiếp dẫn đường vào khu rừng giống thuộc quyền quản lý của BQL rừng phòng hộ A Vương. Khi đến khu vực Km 471+115 đường Hồ Chí Minh, trước mắt chúng tôi là một cây đinh hương vừa bị chặt hạ, ngã ra choán cả mặt đường, cạnh đó là những bìa gỗ do lâm tặc bỏ lại sau khi đã lấy đi phần lõi. Cách đấy chưa đầy 10m là một cây gỗ lim có đường kính gần 1m vừa được chặt hạ không lâu vẫn còn để lại trong rừng.

Trao đổi cùng chúng tôi về công tác quản lý, bảo vệ rừng, ông Phan Thanh Tuấn- Cán bộ phụ trách lâm nghiệp xã Macooih cho biết: Trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng giống A Sờ do BQL rừng phòng hộ A Vương quản lý nhưng thời gian qua, lâm tặc đã tìm mọi cách để khai thác trái phép. "Nhìn bề ngoài thì rừng còn xanh tốt nhưng khi vào bên trong thì trống chẳng khác gì... sân bay", ông Tuấn nói.

Cây lim có đường kính gần 1m vừa bị khai thác.

Tiếp đó, chúng tôi đến khu vực Km 473 đường Hồ Chí Minh, những gốc lim xanh có đường kính vừa người ôm vừa bị triệt hạ bày ra trước mắt. Nhiều cây lim, đinh hương đã bị xẻ, gỗ thành phẩm được vận chuyển đi hết để lại những miếng bìa nằm rải rác khắp rừng. Lần theo con đường mòn vừa 1 người đi do lâm tặc tạo ra, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào rừng, rất nhiều cây gỗ có đường kính từ 0,8m trở lên bị triệt hạ trơ gốc, có nhiều cây gỗ đã bị đốn hạ nhưng lâm tặc chỉ mới cưa xẻ thành những lóng gỗ nằm ngổn ngang trong rừng.

Lý giải về thực tế trên, Trung tá Nguyễn Đăng Thời cho hay: Lâm tặc thường chặt hạ hàng chục cây một lần rồi để tại chỗ cho lá rụng, cây khô mủ... mới quay lại cưa xẻ thành từng phách nhỏ, vận chuyển ra khỏi rừng. Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, tại khu rừng lim giống A Sờ có hàng trăm cây lim có độ tuổi hàng trăm năm, với khối lượng gần 1.000m3 gỗ bị lâm tặc khai thác trái phép trong thời gian qua.

Theo già làng A Rất Bốc (thôn A Đền, khu tái định cư Cut Chrun, xã Macooih): "Dân làng mình rất bức xúc, lâm tặc khai thác gỗ quý ầm ầm ngoài rừng nhưng mình cũng... chịu thôi. Thấy phá rừng có nhiều tiền nên nhiều thanh niên trong làng không chịu làm ruộng, phát rẫy mà theo lâm tặc phá rừng. "Mình khuyên không được làm lâm tặc là mang tội với rừng nhưng họ đâu chịu nghe, họ cứ thấy có tiền là làm thôi...".

Hiện trường một vụ khai thác gỗ trái phép.

Tiếp tục tìm hiểu sự việc, chúng tôi có buổi làm việc cùng ông Vũ Phúc Thịnh, Giám đốc BQL rừng phòng hộ A Vương và được biết: Rừng giống A Sờ được Nhà nước quy hoạch từ năm 2005 có diện tích 160ha thuộc khu vực rừng phòng hộ thủy điện A Vương, có những cây bản địa như: lim, chò, kiền kiền, xoan đào. Từ trước đến nay chỉ khai thác được 400kg hạt lim, ươm 100.000 cây kiền kiền con nhưng không tiêu thụ được nên chủ yếu là làm công tác bảo tồn gien. Đối với công tác bảo vệ rừng, BQL thành lập 2 trạm bảo vệ đóng tại cổng vào Nhà máy thủy điện A Vương (xã Macooih)  và tại xã A Tiêng (H. Tây Giang, Quảng Nam). Công tác tuần tra được thực hiện thường xuyên nhưng từ đầu năm 2015 đến nay chỉ phát hiện 2 vụ khai thác gỗ trái phép, thu giữ 12 phách gỗ (khoảng 1m3). Riêng việc lâm tặc hoành hành tại khu vực rừng giống, BQL rừng phòng hộ A Vương biết nhưng không thể ngăn chặn được (?!).

Còn theo ông Đỗ Tài- Chủ tịch UBND H. Đông Giang: UBND huyện chưa nhận bất cứ thông tin nào liên quan đến việc khai thác rừng trái phép tại A Sờ (!).

Với kiểu tù mù thông tin hoặc biết nhưng không làm hết trách nhiệm giữ rừng trên, những năm qua rừng giống A Sờ nằm trong khu rừng phòng hộ A Vương đã và đang bị lâm tặc khai thác công khai. Hàng ngàn mét khối gỗ quý hiếm bị "bốc hơi" khỏi rừng cho thấy việc quản lý, bảo vệ rừng của các cơ quan chức năng còn quá lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm. Mong rằng, các cơ quan chức năng tại Quảng Nam cần sớm vào cuộc, làm rõ sự việc để xử lý theo pháp luật.

M.T