Tan hoang rừng thông 5 lá cổ thụ
Những con đường xương cá mở sâu vào trong rừng, đường đi đến đâu cây rừng ngã xuống đến đấy. Thân cây, bìa gỗ nằm la liệt trong rừng như một... đại công trường diễn ra trong thời gian khá dài nhưng không bị phát hiện, xử lý. Lo ngại hơn, đã có hàng chục cây thông 5 lá cổ thụ bị khai thác trái phép, đây là loài thông tương tự hình thái loài thông 5 lá nằm trong danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA.
Một gốc thông đường kính khoảng 90cm bị cưa hạ, toàn bộ phần gỗ đã bị vận chuyển khỏi hiện trường. |
Tận diệt rừng
Trước thông tin vụ phá rừng xảy ra tại Tiểu khu 406, 408 thuộc lâm phần quản lý của BQL rừng phòng hộ (BQL RPH) Đăk Đoa, chúng tôi tìm cách tiếp cận hiện trường, nhất là sự việc hàng chục cây thông 5 lá cổ thụ đã bị đốn hạ, mà theo một số nguồn tin đây là loài thông có hình thái tương tự với loài thông 5 lá Đà Lạt đặc hữu của Việt Nam. Dù liên hệ nhiều đơn vị để tiếp cận hiện trường nhưng hầu như từ chủ rừng đến các đơn vị liên quan đều tìm cách né tránh. Một ngày sau, chúng tôi mới tìm được vị trí địa điểm của vụ phá rừng trên, chỉ cách trụ sở UBND xã Hà Đông (H. Đăk Đoa, Gia Lai) vài cây số.
Bám theo lối mòn lên đỉnh núi, chúng tôi dần tiếp cận hiện trường. Ngay một điểm tập kết vẫn còn hàng chục tấm ván gỗ xẻ chất thành đống mà các đối tượng khai thác trái phép chưa kịp đưa ra khỏi rừng. Từ đây, theo các đường mòn luồn sâu trong rừng là đủ loại cây rừng bị cưa hạ, trong đó đa phần là những cây thông 5 lá. Toàn bộ phần thân gỗ đã bị "lâm tặc" xẻ thành hộp, tấm để dễ dàng vận chuyển ra khỏi rừng, hiện trường chỉ còn sót lại những ván bìa, cành nhánh và mùn cưa trên nền đất. Trong những cây bị triệt hạ, có những gốc cây đường kính lớn trên 1m.
Ngay dưới thung lũng tiếp giáp 2 vách núi, các "lâm tặc" đưa gỗ về đây để cưa, xẻ, biến nơi đây thành điểm tập kết. Xung quanh đó vương vãi nhiều bìa gỗ và những can nhựa đựng xăng cho cưa máy. Theo nguồn tin của phóng viên, sau khi gỗ được cưa xẻ thành hộp, tấm, ván sẽ được "thả" từ trên rừng xuống chân núi theo lối mòn mà chúng tôi đi lên, từ đó các đối tượng dùng xe máy độ chế để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.
Càng đi sâu vào những cánh rừng thuộc Tiểu khu 406, 408, chúng tôi càng phát hiện hàng loạt cây gỗ bị đốn hạ và số lượng càng lúc càng nhiều hơn. Trong đó, đa phần thân của các cây gỗ đã bị cưa, xẻ, chỉ còn trơ những gốc cây đường kính từ 45-90cm. Trong vòng bán kính chưa đầy 100m, chúng tôi đã bắt gặp hàng chục cây gỗ cũ có, mới có bị các đối tượng lâm tặc cưa hạ.
Hiện trường chỉ còn lại bìa, mùn cưa, gỗ tròn. |
Độc đạo, gỗ vẫn "chui" lọt
Ngay sau khi phát hiện vụ phá rừng, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo địa phương cùng các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ. Qua khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng xác định đã có 41 cây gỗ tại các khoảnh 10, 11 Tiểu khu 406 và khoảnh 1, Tiểu khu 408 bị cưa hạ trái phép. Toàn bộ cây rừng bị cưa hạ đều nằm trên lâm phần quản lý của BQL RPH Đăk Đoa. Đồng thời, lực lượng chức năng xác định khu vực rừng bị phá thuộc loại rừng phòng hộ, sản xuất và nằm trên địa giới hành chính xã Hà Đông (H. Đăk Đoa).
Tình trạng phá rừng tại đây đã diễn ra trong thời gian dài khi lực lượng chức năng xác định trong 41 cây gỗ bị cưa hạ thì có đến 27 gốc cây được xác định dấu vết cưa, xẻ mới hoàn toàn. Tại hiện trường, qua đo đếm của lực lượng chức năng thì còn lại gần 35m3 gỗ, riêng số lượng gỗ bị đưa đi, số lượng gỗ thiệt hại vẫn đang được xác định, làm rõ. Theo quan sát của chúng tôi, số gỗ bị đưa ra khỏi rừng là con số khá lớn bởi hầu hết tại rừng chỉ còn sót lại là những tấm, hộp gỗ và cành, ngọn.
Trong tổng số 41 cây gỗ mà các cơ quan chức năng xác định thì có 37 cây thông 5 lá bị khai thác trái phép. Thế nhưng, đến giờ này việc xác định đây có phải loài thông đặc hữu hay không vẫn chưa thể xác định. Trong khi đó, hiện Việt Nam có 3 loài thông 5 lá nằm trong Danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA, gồm: thông 5 lá Xuân Nha, thông 5 lá Đà Lạt và thông 5 lá Pá Cò. Ông Nguyễn Văn Sơn- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm H. Đăk Đoa cho biết: "Loại thông 5 lá này mọc khá nhiều tại khu vực này, chúng tôi đang chờ giám định xem là thuộc nhóm gì, nếu được xác định đây là loài thông 5 lá Đà Lạt thì đó là nhóm IIA, nhóm gỗ quý hiếm".
Trong khi đó, lý giải về việc rừng bị tàn phá, ông Nguyễn Hồng Quân- Phó Giám đốc BQL RPH Đăk Đoa cho rằng: "Trong thời gian qua, anh em đơn vị thường xuyên tuần tra nhưng cũng có sai sót nên đã xảy ra vụ việc vừa rồi".
Dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của chủ rừng và chính quyền địa phương trong công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng. Bởi cung đường gỗ lậu đi ra 1 con đường duy nhất, tồn tại trong suốt thời gian dài nhưng không hề được phát hiện, báo cáo. Liệu các đơn vị chức năng có "nhắm mắt làm ngơ" để gỗ lậu vẫn ùn ùn từ rừng ra? Tuy nhiên, 2 ngày đăng ký làm việc với chính quyền UBND xã Hà Đông, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: lãnh đạo xã bận họp hoặc đi vắng!
Trao đổi với P.V, bà Giang H'Đan- Phó Chủ tịch UBND H. Đăk Đoa cho biết, vụ việc được phát hiện từ công tác nghiệp vụ của CAH Đăk Đoa. "Huyện cũng đã có báo cáo vụ việc lên UBND tỉnh và trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm vụ việc này. Qua đó, huyện đã chỉ đạo lực lượng CAH chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để điều tra, làm rõ nhằm xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật", bà Giang H'Đan nêu quan điểm.
Hiện vụ việc vẫn đang được CAH Đăk Đoa điều tra, xử lý. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra vẫn là trách nhiệm của đơn vị chủ rừng và địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bởi, với cách giữ rừng này, sẽ còn nhiều cánh rừng tiếp tục ngã xuống nơi đây.
Minh Tân