Tản mạn chuyện Bùi Giáng vẽ tranh
(Cadn.com.vn) - Ngày 22-10 vừa qua, tại Gem Center (TPHCM) diễn ra phiên đấu giá nghệ thuật "Thiện Nhân và những người bạn", do Quỹ Sống để yêu thương Việt Nam (Live To Love Việt Nam) tổ chức, nhằm tìm kiếm kinh phí cho Quỹ Thiện Nhân trong việc phẫu thuật dị tật đường tiểu cho trẻ em. Trong số 13 tác phẩm (gồm nhiều tác giả nổi tiếng như: Bùi Xuân Phái, Lê Kinh Tài, Đinh Thị Thắm Poong, Lim Khim Katy, Nguyễn Thị Châu Giang...), tác phẩm "Gửi đêm" của Bùi Giáng (chất liệu mực tàu và gouache color trên giấy, sáng tác năm 1992) đã được mua với giá 27.000 USD (giá khởi điểm 2.500 USD) lại một lần nữa rộ lên cơn sốt "Tranh Bùi Giáng" trong giới sưu tập và yêu chuộng mỹ thuật.
Theo những người thân của gia đình Bùi Giáng cho biết, ông không chỉ là nhà thơ mà còn từng là họa sĩ. Trong thời gian đầu vào Sài Gòn dạy học (năm 1952), ông đã dành nhiều thời gian viết sách và vẽ tranh. Họa sĩ Đinh Cường trong bài viết Bùi Giáng-Đi về với gió du côn (năm 2009) cũng đã viết: "Anh đã ở qua rất nhiều nơi, những năm 1960, đường Phan Thanh Giản, nhà cháy, về đường Trương Tấn Bửu, có lúc ở trong Đại học Vạn Hạnh. Thời kỳ này anh vẽ nhiều tranh bột màu trên giấy, có khi là bút chì sáp, nhiều nhất là bút bi. Đã triển lãm tranh bột màu lần duy nhất tại nhà sách Albert Portail (về sau là nhà sách Xuân Thu, đường Đồng Khởi, TPHCM)".
Tác phẩm Gửi đêm của Bùi Giáng được mua với giá 27.000 USD. |
Số lượng tranh của Bùi Giáng vẽ tặng bạn bè rất hào phóng trên mọi nơi chốn ông từng ghé qua, nên hầu như ít người chú ý lưu giữ. Một lần dọn dẹp nhà cửa, họa sĩ Phạm Cung đã tìm lại được hơn 20 bức tranh của thi sĩ. Những bức tranh này, họa sĩ Phạm Cung cho biết, đều được Bùi Giáng vẽ từ năm 1982 đến khoảng 1994 trước lúc ông qua đời (1998). Cũng theo họa sĩ Phạm Cung, sinh thời, thi sĩ Bùi Giáng thường lui tới ăn, ở tại nhà ông. Thỉnh thoảng, trong lúc ngồi chơi uống rượu xem Phạm Cung vẽ tranh, Bùi Giáng đã ngẫu hứng mượn cọ, xin màu, giấy và... vẽ. Hầu hết tranh của Bùi Giáng xoay quanh những đề tài rất... Bùi Giáng, với những tựa đề như: Bò khát bia, Chó hút thuốc, Người say, Người cưỡi ngựa hộc máu, Chân dung người điên, Chân dung, Lão Từ Hải thất vọng... Số tranh này chủ yếu bằng màu nước hoặc bút bi trên giấy khổ A4. Dù được Phạm Cung mua cho nhiều lọ màu nước nhưng Bùi Giáng chỉ dùng một chân dung hoặc tối đa là ba màu cho mỗi bức tranh. Ông vẽ rất say mê, đến độ hết màu nước ông chuyển sang vẽ bằng bút bi. Nhận định về những bức tranh của Bùi Giáng, họa sĩ Phạm Cung thành thật: "Thực ra họa sĩ chuyên nghiệp như tôi không xem đường nét hay sắc màu trong tranh Bùi Giáng là cái gì cao siêu đâu. Nhưng tôi quý tranh của anh Bùi Giáng vì tư tưởng, cách đặt tên và đặc biệt là những câu thơ anh viết lên bức tranh". Vì vậy, mỗi bức tranh Bùi Giáng vẽ xong, họa sĩ Phạm Cung xếp cất vào một góc riêng, biểu hiện sự trân trọng những gì Bùi Giáng làm ra, nhưng chính tác giả lại lãng quên ngay sau đó. Còn theo Trần Triều Linh: "Họa phẩm của Bùi Giáng giống với một khách thể nào đấy không? Câu trả lời là: không. Mà ở trong ấy, cái được gọi là sự thật nằm ở đâu? Nhìn vào tranh của Bùi Giáng khó mà biết Trung Niên Thi Sĩ muốn nói gì. Tranh không hướng đến mô tả vật thể mà làm méo mó vật thể. Thậm chí đó là sự vỡ vụn của thế giới nội tâm. Chúng ta không thể nhìn thấy thế giới khách quan trong tranh Bùi Giáng. Có thể đó là những hình ảnh văng ra từ một giấc mơ nào đấy của chính nhà thơ ưa cà rỡn này? Đây rõ ràng là một kiểu dạng thực hành nghệ thuật khác biệt so với sự nhìn nhận về thế giới của những người bình thường".
Tác phẩm Từ Hải của Bùi Giáng. |
Sinh thời, Bùi Giáng giao du thân thiết với hầu hết các văn nghệ sĩ Sài Gòn. Do đó, ông vẽ chân dung nhiều họa sĩ và ngược lại ông cũng được nhiều người tạc tượng, vẽ chân dung về mình như: Trịnh Công Sơn, Trương Đình Quế, Lê Thánh Thư, Nguyên Hạo, Đình Cường, Phạm Cung... Trong đó, Đinh Cường là người vẽ Bùi Giáng từ rất sớm (thập niên 1970) và nhiều nhất. Đáng chú ý, trong vựng tập có tên Đinh Cường vẽ Bùi Giáng, người xem có thể chiêm ngưỡng gần 30 sát-na của "trung niên thi sĩ", mà dường như chỉ có những thân hữu mới "chộp bắt" được như vậy. Năm 1972, trong một tác phẩm, Đinh Cường vẽ người thiếu nữ bay bổng, như nhớ về quê cũ, sau khi xem thì Bùi Giáng ngẫu hứng đọc hai câu thơ: "Lớp phiêu bồng mọc trăng ngàn/Thành xưa phố cũ muôn vàn phía sau". Bức tranh này, Đinh Cường đã đưa tên Bùi Giáng vào chú thích, như tác phẩm của hai người. Một chân dung Bùi Giáng (thuộc sưu tập của phòng tranh Tự Do), vẽ năm 1987, Đinh Cường đã được gợi ý từ hai câu: "Niềm vui tao ngộ xa dần/Còn riêng ở lại một lần này thôi". Nhiều bạn thân họa sĩ Đinh Cường cho biết, sinh thời, trong ngôi nhà ở vùng Fair Fax, Virginia, có tầng hầm mở ra một cánh rừng thưa, nơi Đinh Cường làm studio, ông vẫn thích treo nhiều chân dung Bùi Giáng. Bản thân Bùi Giáng cũng thích "phổ thơ" của mình bằng tranh. Trong đó, điển hình như tác phẩm Quê chàng là Ithaque (sơn dầu, 150x100cm, 1963 - thuộc sưu tập của Ngô Văn Tao), vì đây là những chữ trong thơ Bùi Giáng. Bức tranh này cũng được nhiều người cho là cách giải thích hai câu thơ khó hiểu của Bùi Giáng: "Lạc loài đã rớt đi đâu/Chiếc chìa khóa mộng rực màu so le".
Nhà thơ Thanh Thảo kể: "Cuối năm 2003, tôi sang Paris dự Festival Thơ quốc tế, và khi có dịp ghé quán Foyer Việt Nam ở số 80 phố Monge Quận 5 (khu Latin), người tôi gặp đầu tiên ở đây là... Bùi Giáng. Đúng hơn, là tôi đã gặp một bức chân dung Bùi Giáng vẽ bằng bút sắt. Nét vẽ rất có thần. Lại đôi mắt sáng quắc nhìn tận đâu đâu. Lại vẻ mặt hồn hậu của một lão nông xứ Quảng Nam đang mơ màng như nhớ lại câu thơ tuyệt vời của Apollinaire...". Nhà thơ Thanh Thảo hỏi nhiều người thì được biết, đó là bức chân dung Bùi Giáng của họa sĩ Trần Văn Liêm - một người rất hâm mộ Bùi tiên sinh ở Paris.
Trần Trung Sáng