Báo Công An Đà Nẵng

Tân Nhân & xa khơi

Thứ sáu, 05/01/2018 10:59

Cuối năm 2017, tôi được nhà văn Châu La Việt (Trương Nguyên Việt, con Tân Nhân- Hoàng Thi Thơ) gửi tặng cuốn “Nghệ sĩ Tân Nhân và Xa khơi” (Hồi ký- thơ, NXB Văn học, 2017). Đọc sách tôi mới biết cuộc đời ca sĩ lừng danh Tân Nhân có quá nhiều gian lao, cay đắng.  Ngay đầu sách, bà viết: "Tôi đã chịu đựng bao nhiêu nỗi đắng cay, một đứa con gái xa nhà từ mười bốn tuổi, yếu đuối, nghèo nàn, ngây thơ, đi giữa cuộc đời đầy bão táp trong mấy chục năm trời... Và tôi đã hát”.

Ca sĩ Tân Nhân

Huế là nơi Tân Nhân khởi đầu cuộc hành trình cách mạng khi chưa tròn 14 tuổi. Bà quê ở làng biển Mai Xá, Gio Linh, Quảng Trị. Năm 1946 bà vào học Trường Đồng Khánh Huế. Ở trường “Có cậu bạn thân tôi là L.C, sinh viên tiền tuyến, Việt Minh”. Có các cô giáo Võ Thị Thế, Ngô Thị Chính trong các bài giảng thường đề cao tinh thần tự hào dân tộc. “Cách mạng Tháng Tám, tôi bận đồ golf (quần ống bó), đeo thắt lưng cầm cờ biểu tình...”. Người đẹp Tân Nhân được huấn luyện để hoạt động trong hai đường dây: Học sinh Cứu quốc và Công an. Ở trong tổ phản gián 20, nhiệm vụ là lấy tin, rải truyền đơn. “Giữa giờ học nhét vào cặp sách, vào hộc bàn của ai đó tờ truyền đơn, rồi tối đi dán khẩu hiệu...”. Những ngày ấy, “nữ sinh Đồng Khánh” Tân Nhân quen biết với Nguyễn Tăng Hích (Trần Hoàn), Lê Khánh Căn (sau này là chồng, ông ở báo Nhân Dân), Hoàng Thi Thơ... Sau này những người còn sống đều trở thành những cán bộ Nhà nước cao cấp, hay văn nghệ sĩ nổi tiếng! Tân Nhân kể: “hoạt động bí mật ở nội thành Huế bị lộ, để tránh bị truy lùng, cậu ruột là Trương Quang Phiên, chủ tịch UBKC Quảng Trị xin cho tôi lên chiến khu, ra Ba Lòng, rồi khăn gói theo người cậu là Nguyễn Khắc Thứ vượt dốc Liên U Ba Rền ra Hà Tĩnh học tiếp năm đệ tứ, rồi về Huỳnh Thúc Kháng (Bạch Ngọc- Nghệ An) học trường chuyên khoa Văn”...

Từ nhỏ, Tân Nhân học theo mẹ đã biết hát và hát hay. Bà kể: “Ở Trường Đồng Khánh thì bắt chước các chị hát những bài Tây như  Santa Lucia, Serenata... Giọng tôi lúc đó trầm và vang to. Ở Trường Huỳnh Thúc Kháng, tối tối bài vở xong, các bạn nhắc Tân Nhân hát đi. Lại hát Con thuyền không bến, Đêm đông, Bà mẹ Gio Linh... Cuối năm đệ nhất văn Huỳnh Thúc Kháng, tôi gia nhập Đoàn văn công mặt trận Bình Trị Thiên do hai anh Bửu Tiến và Đình Quang lãnh đạo. Thời kỳ này đời sống khổ cực. Cơm gạo thối chỉ hơn lưng bát một bữa... Tôi sốt rét gầy yếu...”. Tân Nhân kể, đoàn Văn công vừa thành lập chưa kịp đỏ đèn biểu diễn phục vụ thì bị địch càn. Đạo cụ phông màn hàng chục hòm bị giặc cướp mang đi hết, may mà người thoát được. Đơn vị tan tác, mấy chị em chạy vào rừng sâu mất liên lạc... Rồi sau đó tụ tập tại Ba Lòng. Tin đồn về trận càn Phong Lai dù được cải chính vẫn lan truyền về đất Nghệ An. Tin Tân Nhân bị giết làm bàng hoàng thầy trò. Trường đã làm lễ tưởng niệm cô học trò xinh đẹp, hát hay. Người bạn học cùng quê là Hoàng Thi Thơ nghe tin như tan nát cả cõi lòng. Anh đã thể hiện nỗi nhớ thương Tân Nhân bằng bài hát "Xuân chết trong lòng tôi... Ngờ đâu Xuân chết trong lòng tôi/ Trong tiếng đàn... Ôi chim xa cành/ Bướm lìa hoa/ Trùng phùng xa lắm...”. Trong hồi ký, Tân Nhân viết: “Trên một chuyến đò trên sông Lam, một người bạn gái đã hát cho tôi nhe bài hát ấy với lời bình: “Phải có một tình yêu sâu sắc lắm, anh ấy mới như điên như dại, khi hay tin chị chết, lang thang cầm roi quất ngang quất dọc trên các nẻo đường Bạch Ngọc mà khóc và viết nên bài ca ấy”.

Hành động đó đã làm cô nữ sinh vừa trở về xúc động. Bà nghĩ: “Phải chăng đó là một tình yêu chân thật?”. Và bà đã đáp lại tình yêu ấy. Trong chuyến về thăm nhà vùng tạm chiếm, ở Huế, nhạc sĩ Hoàng Thị thơ bị bắt vì theo Việt Minh chống Pháp, năm 1954, anh mới được thả. Lúc đó sông Bến Hải đã thành giới tuyến không thể ra Nghệ An tìm Tân Nhân được. Thế là hai người từ đó mãi mãi cách chia. Hồi đó, Tân Nhân từ Nghệ An được một người bạn giúp đỡ, mang bụng bầu về một thôn bên biển ở Nhượng Bạn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh để sinh con! Còn Hoàng Thi Thơ thành nhạc sĩ nổi tiếng ở miền Nam với các bài hát như Mấy nhịp cầu tre, Rước tình về quê hương; Đường xưa lối cũ; Trăng rụng xuống cầu...!  Trong đó bài hát Đường xưa lối cũ là viết cho Tân Nhân. Cháu Hoàng Hữu Hoài, kết quả của mối tình rất đẹp ấy, hơn nửa cuộc đời mới biết mặt cha... Đây là câu chuyện dài, buồn nhưng có hậu. Tân Nhân vẫn giữ tình cảm với Hoàng Thị Thơ suốt đời mình. Khi về già, Tân Nhân dặn con trai: “Con gắng đi Mỹ sang đó tìm nơi ba Thơ (Hoàng Thi Thơ, mất năm 2001) yên nghỉ, thắp cho mẹ một nén nhang”. Con trai đã làm đúng lời mẹ dặn và chụp ảnh mang về cho mẹ xem. 

Nhiều học giả, nghệ sĩ đã phân tích rất hay tại sao Tân Nhân hát Xa khơi và Bên ven bờ Hiền Lương hay thế? Vì là trái tim hát, tâm hồn hát. Nhà thơ- nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng đó là “giọng nữ cao thánh thiện và vĩnh cửu”. Chiếc cầu sơn hai màu khác nhau bởi kẻ thù muốn chia cắt lâu dài đất nước. Tân Nhân đã về bên sông Hiền Lương hát: "Thuyền ơi có nhớ bến chăng? Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền...”. Tại sao chị hát hay một cách da diết vậy? Vâng! Chị đã hát bằng nỗi lòng mình, cả trái tim vì tình yêu cay đắng của mình, về nỗi cách xa quê nhà. 175 mét chiều ngang con sông Hiền Lương, thế mà cứ như vời vợi nghìn trùng. Lời ca cháy bỏng khát vọng thống nhất, còn tiếng hát của Tân Nhân thì da diết, thổn thức quá chừng. Bao nhiêu nhớ mong đôi lứa, bao nhiêu nhung nhớ ngày đất nước cắt chia được người hát gửi vào bài ca. Chị đã hát cho chính lòng mình, cho bà con mình trong nớ. “Dù cho, dù cho bến cách sông ngăn. Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền...”. 

Và đến khi hát Xa khơi, Tân Nhân mới thực sự chinh phục người nghe và tỏa sáng trên vòm trời âm nhạc Việt những năm 60. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, tác giả bài hát Xa khơi kể, Bài Xa khơi lúc đầu được viết trong cuộc vận động sáng tác bài hát hưởng ứng phong trào đồng khởi Bến Tre. Lúc đi thực tế ở Vĩnh Linh mỗi lần đứng bên biển Cửa Tùng, chỉ có cái nhìn là không giới tuyến, tôi nghĩ con cá, con chim tự do vùng vẫy, mà sao con người đành đoạn xa nhau. Bởi lời ca không nhắc tới chiến tranh bom đạn và ý chí tiến công, nên lúc đầu Xa khơi gần như bị loại. Sau nhờ ông Trưởng ban thống nhất Trung ương đề nghị phát trên Đài TNVN để lấy ý kiến thính giả. Không ngờ nhiều người đã đề cử cho Xa khơi để đến chung kết đoạt giải Nhì (không có giải Nhất). Người thể hiện thành công để Xa khơi chinh phục thính giả là Tân Nhân. Trong hồi ký, Tân Nhân đã viết: “Nhân một chuyến công tác về vùng biển cùng Đoàn Ca múa Trung ương, tôi chuyên hát dân ca nên được phân hát Xa khơi. Thật thú vị vì biển là quê tôi, đứng bên bờ Bắc nhìn về bờ Nam còn thấy ngọn thông làng Mai Xá của tôi. Nơi ấy có nhà tôi, bà con ruột thịt của tôi đã mười lăm năm xa cách, thương nhớ. Nơi ấy là cha mẹ tôi, các em nhỏ của tôi”... Chị đã hát bằng tâm trạng nhớ quê da diết,... và cả nỗi đắng cay chia lìa đôi lứa mà chị chính là người khổ đau trong cuộc.  Chị đã hát hay đến nỗi làm bao thế hệ người nghe sững sờ. Chính Xa khơi đã truyền lửa để Tân Nhân hát bằng gan ruột, làm nên tượng đài nghệ thuật Tân Nhân. Và chính Tân Nhân đã đưa Xa khơi thành tác phẩm âm nhạc trữ tình tuyệt diệu!

Ngô Minh