Báo Công An Đà Nẵng

Tân thủ lĩnh Taliban – một nhà độc tài tôn giáo

Thứ bảy, 28/05/2016 10:53

(Cadn.com.vn) - Mawlawi Haibatullah Akhundzada, thủ lĩnh mới của tổ chức khủng bố Taliban tại Afghanistan, là một học giả tôn giáo theo đường lối cứng rắn. Vì vậy, việc Akhundzada trở thành thủ lĩnh của Taliban đồng nghĩa với việc đường hướng hoạt động của lực lượng này trong thời gian tới cũng khó thay đổi, nhất là trong việc đàm phán hòa bình với chính phủ Afghanistan.

Ngay sau khi Akhundzada lên nắm quyền, Taliban ở Afghanistan đã bác bỏ các cuộc đàm phán hòa bình như là một giải pháp có thể chấm dứt tình trạng nổi dậy ở nước này, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu.  Trong thông điệp ghi âm được các chỉ huy của Taliban lưu hành, Akhundzada tuyên bố "Taliban sẽ không bao giờ cúi đầu và sẽ không đồng ý hòa đàm".

Akhundzada, 50 tuổi, không phải là cái tên xa lạ mà là một cựu chiến binh từng chiến đấu trong lực lượng Taliban hơn 20 năm qua. Theo Michael Kugelman, chuyên gia về Nam Á tại Trung tâm Woodrow Wilson ở Mỹ, danh tính của tân thủ lĩnh cho thấy dấu hiệu về định hướng hoạt động thời gian tới của Taliban. Với nền tảng tôn giáo, Akhundzada được xem là tia sáng hy vọng của việc thống nhất một tổ chức rất "manh mún".

Tân thủ lĩnh Akhundzada lên nắm quyền sau khi Taliban xác nhận cái chết
của cố thủ lĩnh Mansour.

Cựu chiến binh kỳ cựu

Akhundzada nhanh chóng gia nhập lực lượng Taliban khi nhóm được thành lập vào những năm 1990.

"Akhundzada hầu như chỉ sống quanh quẩn ở Afghanistan và có mối quan hệ chặt chẽ với tổ chức Hồi giáo Quetta Shura", Gharzai Khwakhogi, một nhà bình luận chính trị và là người từng làm việc trong đội tình báo của Taliban, cho biết. Khi Taliban chiếm tỉnh Farah ở miền tây Afghanistan, Akhundzada chịu trách nhiệm chống tội phạm trong khu vực này. Sau khi Taliban bị liên minh do Mỹ dẫn đầu lật đổ vào năm 2001, ông này trở thành người người đứng đầu Hội đồng học giả tôn giáo.

Dưới vai trò là phó tướng của cựu thủ lĩnh Taliban Mullah Akhtar Mansour trong suốt thời gian qua, Akhundzada được biết đến là người đưa ra các fatwa (sắc lệnh quan trọng) để biện minh cho sự tồn tại của nhóm hồi giáo cực đoan này cũng như cuộc chiến chống lại chính phủ Afghanistan và sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Afghanistan. Ông cũng mở một trường tôn giáo gần thành phố Quetta ở Pakistan, nơi nhiều chỉ huy hàng đầu của Taliban theo học.

Trả thù cho cố thủ lĩnh Mansour

Vốn là một thủ lĩnh tôn giáo theo đường lối cứng rắn, Akhundzada sẽ tiếp tục thực hiện những kế hoạch hung hăng của cựu thủ lĩnh Mullah Mansour. Tân thủ lĩnh cũng cam kết không khuất phục trước kẻ thù, đồng thời khẳng định sẽ đẩy mạnh những đợt tấn công quy mô lớn trong thời gian tới để khuếch trương tên tuổi. Và mục tiêu đặc biệt là thành phố Kabul của Afghanistan.

Để hiện thực hóa điều đó, theo giới chuyên gia, Akhundzada cần phải nhạy bén trong chính trị để có thể hàn gắn những rạn nứt dưới thời cựu thủ lĩnh Mansour và gắn kết các phe phái trong Taliban. Bên cạnh đó, ông cũng phải có chiến lược phù hợp để chống lại các mối đe dọa từ cựu binh Taliban - vốn đã cam kết trung thành với phiến quân IS ở miền đông Afghanistan, và duy trì tốt mối quan hệ với nhóm bảo trợ của tổ chức ở Pakistan. Song song đó, nhân vật này cần phải tìm cách khuếch trương thanh thế của tổ chức cực đoan Taliban tại khu vực Trung Đông trước sự nổi lên của IS.

Tuy nhiên, một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ ở Afghanistan cho rằng, việc Akhundzada quan tâm bây giờ là phải làm sao để trả thù cho cái chết của cố thủ lĩnh Mansour. Ông này thậm chí sẽ không nghĩ đến các cuộc đàm phán hòa bình cho đến khi báo thù thành công.

Tuệ Khanh
(Theo BBC, Foreign Policy)