Báo Công An Đà Nẵng

Tân Thủ tướng Iraq và những thách thức trước mắt

Thứ bảy, 27/10/2018 14:20

Ngay trong lễ nhậm chức, tân Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã vấp phải rào cản đầu tiên: sự chấp thuận của Quốc hội về một chính phủ đầy đủ để bắt đầu giải quyết hậu quả nhiều năm chiến tranh và tình trạng tham nhũng tràn lan.

Tân Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi tại phiên họp nội các đầu tiên ngày 25-10.   Ảnh: Reuters

Thủ tướng Abdul Mahdi đã tuyên thệ nhậm chức chỉ với một phần nội các sau khi thiếu sự nhất trí về các bộ chủ chốt. Thủ tướng Abdul Mahdi cùng 14 thành viên nội các tuyên thệ nhậm chức sau phiên họp Quốc hội kéo dài xuyên đêm vì phải thông qua chương trình chính phủ do ông Mahdi đệ trình và sau đó phê chuẩn 14 thành viên nội các sau một cuộc tranh luận nảy lửa.

Ban đầu, ông Abdul Mahdi đề cử một nội các mới gồm 22 thành viên, nhưng 220 nghị sĩ trong tổng số 329 nghị sĩ được bầu hồi tháng 5 đã ủng hộ 14 vị trí trên tổng số 22 vị trí trong nội các. Các vị trí bộ trưởng quốc phòng và nội vụ vẫn chưa được phê chuẩn khi các nghị sĩ từ khối của cựu giáo chủ Moqtada al-Sadr, Liên minh của cựu Thủ tướng Haider Al-Abadi, và phe của Phó Tổng thống Iyad Allawi, và các khối Hồi giáo Sunni rời khỏi phòng họp trước khi bỏ phiếu do những bất đồng. "Chúng tôi quyết định rút khỏi phiên họp, bởi vì chúng tôi không hài lòng với các ứng cử viên nội các còn lại", nghị sĩ Ali Sined nói.

Phiên họp Quốc hội bất thường nhấn mạnh những khó khăn mà tân Thủ tướng Abdul Mahdi, 76 tuổi, phải đối mặt khi ông nỗ lực xây dựng một nội các có sự đồng thuận cao. Tân Thủ tướng phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn của việc xây dựng lại phần lớn đất nước sau một cuộc chiến tàn khốc chống IS, cũng như giải quyết các vấn đề kinh tế cấp thiết và tình trạng thiếu điện, nước. Đất nước giàu dầu mỏ nhiều thập niên chịu đựng dưới sự cai trị của cựu Tổng thống Saddam Hussein và các biện pháp cấm vận của Liên Xô, cuộc xâm lược của Mỹ và cuộc nội chiến, cuộc chiến ác liệt chống IS được tuyên bố chiến thắng hồi năm ngoái.

Sự cạnh tranh giữa hai khối nổi lên mạnh mẽ từ cuộc bầu cử - một liên minh do Iran hậu thuẫn và một khối dân túy do cựu giáo chủ Moqtada al-Sadr đứng đầu - là thách thức đối với sự quản lý của ông Abdul Mahdi. Phát biểu với các nhà báo hôm 25-10, ông Abdul Mahdi cho rằng đã có "sự khác biệt chính trị" trong việc phê chuẩn nội các của ông. "Ông Abdul Mahdi chịu áp lực to lớn từ các nhà lãnh đạo đảng... ông đã quan tâm đến tâm trạng của các bên bằng cách chỉ định các bộ trưởng thuộc các đảng phái khác nhau", ông Huda Sajjad, thuộc phe của cựu Thủ tướng Haider al-Abadi cho biết.

Theo ông Sajjad, sự lựa chọn các bộ trưởng đã làm suy yếu lời hứa của ông Abdul Mahdi trong việc chỉ định một chính phủ gồm các nhà kỹ trị độc lập - một nhu cầu quan trọng của khối do ông al-Sadr lãnh đạo.

"Thủ tướng đề cử các bộ trưởng không phù hợp với công việc," Sabah al-Saidi, ông Saeroon, một nghị sĩ của khối al-Sadr nói. Nghị sĩ này đưa ra một bức ảnh cho thấy ứng viên Bộ trưởng quốc phòng Faisal al-Jarba mỉm cười cùng với ông Saddam Hussein, người bị lật đổ khi Mỹ kéo quân đến Iraq năm 2003. Trong khi đó, Bộ trưởng truyền thông được đề xuất cũng bị cáo buộc là người ủng hộ ông Saddam Hussein thông qua một tài liệu bị rò rỉ trong phiên họp. Các đề xuất bộ trưởng khác cũng bị cáo buộc tham nhũng.

Theo các nhà phân tích, thủ tướng mới của Iraq sẽ phải đấu tranh với trò chơi không kết quả đã thống trị nền chính trị nước này trong nhiều năm. "Thật khó để giải quyết nếu các đảng chính trị lớn yêu cầu các vị trí mà họ xem là sinh kế của họ, làm thế nào họ bị loại trừ", Renad Mansour, nghiên cứu viên tại Chatham House ở London cho biết. Ông Abdul Mahdi và tân Tổng thống Barham Salih "sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực - chúng tôi đã thấy điều đó trong quá trình bổ nhiệm", ông Mansour nhận định.

Theo hiến pháp của Iraq, người Shiite, Sunni, Kurd và các dân tộc thiểu số khác đều phải có đại diện trong nội các. Quốc hội sẽ triệu tập trở lại vào ngày 6-11 để bỏ phiếu cho 8 vị trí bộ trưởng còn lại trước khi chính phủ có thể bắt giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong nước.

AN BÌNH