Báo Công An Đà Nẵng

Tân Thủ tướng Thái Lan nỗ lực vực dậy nền kinh tế

Thứ năm, 28/09/2023 08:23
Ông Srettha Thavisin phát biểu tại trụ sở của đảng Pheu Thai hôm 22-8. Ảnh: Reuters

Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng trước Quốc hội Thái Lan, ông Srettha ví kinh tế Thái Lan đang giống như một “người ốm", rằng đại dịch đã làm cho các thách thức bấy lâu trở nên trầm trọng hơn và nền kinh tế đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn. “Du lịch và tiêu dùng đang phục hồi quá chậm, đến mức đặt ra nguy cơ suy thoái kinh tế. Chúng ta cần phải kích thích nền kinh tế bằng cách chi tiêu nhiều hơn”, ông nói.

Trong các chính sách mới nổi bật là tất cả người Thái Lan từ 16 tuổi trở lên sẽ nhận được 10.000 baht/người (hơn 280 USD) qua ví điện tử, theo đúng cam kết mà đảng Pheu Thai của ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Số tiền này sẽ được dùng để chi tiêu cho những hàng hóa, dịch vụ nhất định trong một khoảng thời gian cụ thể, nhằm tạo việc làm và thúc đẩy hoạt động kinh tế, đồng thời mang lại nguồn thu cho chính phủ. Kế hoạch này dự kiến tiêu tốn 560 tỷ baht, tương đương 16 tỷ USD, và sẽ sẵn sàng được triển khai trước cuối quý 1/2024. “Số tiền này sẽ được phân phát ở tất cả các khu vực và góp phần tạo công ăn việc làm và kích thích các hoạt động kinh tế, từ đó Chính phủ sẽ tăng được thu ngân sách”, ông Srettha nói.

Bên cạnh đó, ông Srettha cam kết hành động nhanh chóng để giải quyết vấn đề nợ nần trong nền kinh tế, nhấn mạnh rằng nợ công của Thái Lan năm nay đã tăng lên mức hơn 60% tổng sản phẩm trong nước (GDP), trong khi nợ của các hộ gia đình đã tăng lên mức hơn 90% GDP. Ông còn hứa sẽ hạn chế đà tăng giá xăng dầu và có các biện pháp để kích cầu du lịch, bao gồm miễn phí visa cho du khách từ một số quốc gia nhất định và nâng cấp sân bay để tăng số chuyến bay tới Thái Lan.

Ông cũng công bố chương trình miễn thị thực cho khách Trung Quốc sẽ thúc đẩy ngành du lịch. Ông Srettha Thavisin cũng chia sẻ kế hoạch của chính phủ trong việc quảng bá về những điểm đến ở các thành phố nhỏ hơn của Thái Lan với khách Trung Quốc nhằm khuyến khích họ ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn. "Chúng tôi tin tưởng chính sách này sẽ thúc đẩy đáng kể nền kinh tế", ông nói. Theo AP, việc miễn thị thực sẽ có hiệu lực đến ngày 29-2-2024. Chương trình này cũng áp dụng cho khách đến từ Kazakhstan. Bộ trưởng Du lịch Thái Lan Sudawan Wangsuphakijkosol cho biết số lượng đặt chỗ ở và chuyến bay đã tăng khoảng 30% kể từ khi công bố chính sách mới. Chính phủ liên minh của ông Srettha đặt mục tiêu đón 28 triệu du khách quốc tế thăm nước này trong năm nay, với tổng mức chi tiêu 1,4 nghìn tỷ baht, tương đương hơn 39 tỷ USD, và 40 triệu du khách vào năm 2024. Nước này phấn đấu thu hút được 5 triệu du khách Trung Quốc trong năm 2023.

Nội các Thái Lan ngày 26-9 cũng đã thông qua kế hoạch giãn nợ 3 năm đối với nông dân. Giảm bớt gánh nặng nợ cho nông dân là một trong các mục tiêu đã được chính phủ của Thủ tướng Srettha Thavisin đưa vào Tuyên bố Chính sách để thực hiện trong nhiệm kỳ hiện tại. Thứ trưởng Tài chính Thái Lan Julapun Amornvivat cho biết giai đoạn đầu tiên của chương trình giãn nợ sẽ bắt đầu từ ngày 1-10 đến 30-9-2024, với chi phí khoảng 12 tỷ baht (khoảng 330 triệu USD). Ông Julapun cho biết khoảng 2,7 triệu nông dân với khoản nợ tổng cộng khoảng 300 tỷ baht đủ điều kiện tham gia chương trình này. Ngoài việc được hoãn trả nợ, mỗi nông dân cũng được phép vay tới 100.000 baht (hơn 65 triệu đồng) để tạo kế sinh nhai trong thời gian được giãn nợ.

Các mục tiêu dài hạn mà ông Srettha đặt ra cũng bao gồm tăng cường thương mại quốc tế, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp, đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng giao thông, cải thiện sản xuất nông nghiệp, trao thêm quyền cho các chính quyền địa phương và tăng cường khả năng tiếp cận quyền sở hữu đất. Ông cho biết sẽ tiếp tục đưa ra các chính sách mới một cách sớm nhất có thể, bao gồm tăng lương tối thiểu cho người lao động.

AN BÌNH