TAND TP Đà Nẵng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế
Trưởng thành cùng đất nước
(Cadn.com.vn) - Sắc lệnh số 33C/SL được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 13-9-1945 chính thức thiết lập tòa án (TA) Quân sự, tiền thân của TAND Việt Nam của dân, do dân và vì dân. Chính vì vậy, TAND Việt Nam được khai sinh cùng đất nước, trưởng thành cùng những chặng đường lịch sử của đất nước.
70 năm qua, được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các thế hệ cán bộ công chức, viên chức TAND Việt Nam đã không ngừng phấn đấu vươn lên, phát huy truyền thống vẻ vang, cùng cả nước vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Qua đó, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước bằng pháp luật, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Theo sự phát triển chung của xã hội, càng ngày vị trí, vai trò của TAND được nâng cao, xứng đáng với nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp.
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình trao Bằng khen cho TAND hai cấp TP Đà Nẵng. |
Ngày 12-2-1976, TAND cách mạng tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng được thành lập, sau này đổi tên là TAND tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Lúc này, đội ngũ cán bộ TAND tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng còn non trẻ, chủ yếu từ Quân đội và Công an chuyển sang, biên chế ban đầu chỉ có 7 người, gồm 1 Phó Chánh án, 1 Thẩm phán, 1 Chánh lục sự, 2 chuyên viên pháp lý và 2 nhân viên. Theo chủ trương của lãnh đạo TAND Tối cao, đầu năm 1978 TAND tỉnh Thanh Hóa đã điều động, tăng cường Chi viện cho TAND tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng 11 cán bộ, trong đó có 8 Thẩm phán và 2 chuyên viên pháp lý. Nhiệm vụ chính trị của TAND tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng lúc bây giờ là tập trung xét xử bọn tội phạm phản cách mạng, âm mưu lật đổ chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc kích động chính sách hòa hợp dân tộc và bọn tội phạm hình sự khác, phục vụ chủ trương cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, thành lập hợp tác xã nông nghiệp, đảm bảo công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chính quyền nhân dân.
Qua hơn 20 năm hoạt động (tháng 2-1976 đến 12-1996) TAND 2 cấp của tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng đã giải quyết xét xử 26.590 vụ án các loại, trong đó có 10.471 vụ án hình sự, nhiều vụ án về tội âm mưu lật đổ chính quyền được đưa ra xét xử lưu động công khai, trừng trị nghiêm khắc bọn chủ mưu cầm đầu. Với những thành tích xuất sắc đó, năm 1982, TAND tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng được Hội đồng Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Quốc hội Khóa IX, kỳ họp thứ 10 về chia tách tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Ngày 18-12-1996, TAND TP Đà Nẵng được thành lập và đến ngày 1-4-1997, 6 TAND các quận huyện cũng được thành lập. Năm 2005 TAND Q. Cẩm Lệ được thành lập từ việc chia tách TAND H. Hòa Vang.
Ngoài làm tốt công tác chuyên môn, CBCC TAND hai cấp TP Đà Nẵng còn chú trọng đến |
Xứng đáng là “cán cân công lý”
70 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành của TAND Việt Nam và gần 20 năm từ ngày thành lập TAND TP Đà Nẵng là một chặng đường đáng ghi nhận. 20 năm, dẫu chưa nhiều nhưng có thể thấy TAND 2 cấp của TP Đà Nẵng ngày càng trưởng thành trên các mặt. Bộ máy tổ chức được kiện toàn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng xét xử cũng được nâng cao và công tác xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan và công tác đoàn thể vững mạnh, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Trên thực tế số lượng vụ việc hằng năm đều tăng, tính chất ngày càng phức tạp, đa dạng... song, với sự nỗ lực, phấn đấu và tinh thần làm việc trách nhiệm cao của cán bộ công chức, đặc biệt là thẩm phán TAND 2 cấp của TP Đà Nẵng, đã giải quyết xét xử 79.800 vụ án các loại. Tỷ lệ giải quyết xét xử các loại án hằng năm đều đạt 98% trở lên, không có án quá hạn, án bị hủy sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán, Hội đồng xét xử đều thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu của TAND tối cao đề ra, không có án oan sai, bỏ lọt tội phạm, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Với kết quả công tác, hằng năm TAND TP Đà Nẵng, đều được Chánh án TAND Tối cao công nhận là tập thể lao động tiên tiến, trong đó có 15 năm được công nhận là tập thể lao động xuất sắc, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1999 và Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2011.
Trong đó các TA cấp quận, huyện như TAND Q. Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ, H. Hòa Vang và Tòa Hình sự, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; TAND Q. Hải Châu và Thanh Khê được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; 7 cán bộ công chức được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 3 cán bộ công chức được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, 19 Bằng khen Chính phủ, 3 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 37 CBCC Chiến sĩ thi đua TAND.
Đối với Đảng bộ TAND TP Đà Nẵng 18 năm liên tục được Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan TP Đà Nẵng công nhận danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh, các đoàn thể như Công đoàn, Chi đoàn thanh niên, đều được công nhận danh hiệu vững mạnh. Riêng các Chi bộ TAND các quận huyện, hằng năm cũng được Ban Thường vụ Quận ủy, Huyện ủy công nhận danh hiệu Chi bộ trong sạch vững mạnh.
Nhìn lại chặng đường 70 năm trưởng thành của hệ thống TAND nói chung và gần 40 năm hình thành, phát triển của TAND TP Đà Nẵng nói riêng, cán bộ công chức đơn vị có thể tự hào về sự trưởng thành này. Tuy nhiên, để tiếp tục xứng đáng là cán cân công lý, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, xứng đáng là cơ quan xét xử của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền tư pháp, đòi hỏi mỗi CBCC đặc biệt là thẩm phán phải không ngừng nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, thực hiện đúng lời dạy của Bác đó là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.
Trang Trần