Báo Công An Đà Nẵng

NHÂN NGÀY TÊ GIÁC THẾ GIỚI (22-9):

Tăng cường đấu tranh với các vi phạm mua bán sừng tê giác

Thứ ba, 21/09/2021 18:15

Ngày 22-9 là Ngày Tê giác Thế giới. Từ năm 2010, ngày này đã được các quốc gia trên thế giới lựa chọn nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo tồn loài tê giác quý hiếm.

Một đường dây buôn bán trái phép sừng tê giác được phát hiện, bắt giữ. 

Tăng mức án nhằm răn đe

Trong những năm gần đây, nỗ lực ngăn chặn tình trạng săn trộm và buôn bán trái phép sừng tê giác trên thế giới đã đạt được một số kết quả tích cực. Đáng chú ý, số lượng cá thể tê giác bị săn trộm hàng năm ở Nam Phi đã giảm từ hơn 1.000 cá thể vào năm 2017 còn khoảng gần 400 cá thể vào năm 2020. Tại Việt Nam, Bộ luật Hình sự mới bắt đầu áp dụng từ năm 2018 với mức hình phạt nghiêm khắc hơn với tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) nói chung và tê giác nói riêng. Theo đó, một đối tượng có thể bị xử phạt tối đa lên tới 15 năm tù giam với các vi phạm liên quan đến tê giác và sừng tê giác, cao hơn gấp đôi so với mức 7 năm tù giam của Bộ luật Hình sự cũ.

Theo thống kê từ Cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), trong số 20 vụ án liên quan đến buôn bán trái phép sừng tê giác có đối tượng bị bắt giữ từ năm 2018 đến nay, 14 vụ án đã được đưa ra xét xử. Trong đó, bản án tù giam nghiêm khắc cho một hoặc nhiều đối tượng vi phạm cũng được áp dụng trong 11 vụ án. Bên cạnh đó, mức án phạt tù trung bình dành cho tội phạm về sừng tê giác từ năm 2018 đến tháng 7-2021 là 6,15 năm - một mức án khá nghiêm khắc, cao hơn 2 năm so với mức án trung bình chung dành cho các tội phạm về động vật hoang dã và đã phần nào đáp ứng được mục tiêu ngăn chặn tình trạng nhập lậu, buôn bán, vận chuyển sừng tê giác trái phép. Trong đó, mức hình phạt cao nhất với một đối tượng vận chuyển, buôn bán sừng tê giác trái phép đã từng được áp dụng cho đến nay là mức hình phạt 12 năm 6 tháng và phạt bổ sung 100 triệu đồng cho đối tượng vận chuyển trái phép 11 khúc sừng tê giác nặng 28,7kg bằng đường hàng không từ Mô-zăm-bíc về Việt Nam được TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử cuối tháng 12-2020…

Có thể thấy, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hoạt động nhập lậu các lô hàng ngà voi, sừng tê giác về Việt Nam có thể bị chậm lại, nhưng hoạt động quảng cáo, rao bán sừng tê giác trên Internet lại đang có dấu hiệu tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Chỉ tính riêng trong năm 2020, ENV đã ghi nhận 74 vụ việc vi phạm liên quan đến sừng tê giác, trong đó có 62 vụ việc về quảng cáo, rao bán sừng tê giác trên Internet. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tịch thu gần 140kg sừng tê giác trong 5 vụ án. Con số vụ việc về sừng tê giác được ENV ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2021 là 34 vụ việc.

Tàu SPIRIT OF KOLKATA chở ĐVHD và sừng tê giác trái phép bị phát hiện ở khu vực biển Đà Nẵng mới đây.

Nỗ lực tuyên truyền, giám sát vi phạm

Theo ENV, những mối đe dọa tới quần thể tê giác thế giới vẫn còn tiếp diễn và tê giác tại Châu Phi vẫn tiếp tục bị sát hại để lấy sừng, phục vụ nhu cầu tiêu thụ sử dụng tại một số quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo đó, Việt Nam không chỉ bị coi là một thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn trên thế giới mà cũng đồng thời được biết đến là một quốc gia trung chuyển sừng tê giác từ Châu Phi sang Trung Quốc. Một số đường dây buôn bán trái phép sừng tê giác và ngà voi do người Việt cầm đầu vẫn đang hoạt động mạnh ở các quốc gia Châu Phi và sử dụng ngày càng nhiều những phương thức, thủ đoạn tinh vi để có thể nhập lậu sừng tê giác vào Việt Nam.

Mới đây ngày 18-7-2021, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 phối hợp Cục Hải quan TP Đà Nẵng và các lực lượng chức năng khám xét lô hàng nghi sừng tê giác và xương động vật hoang dã quý hiếm nhập từ Nam Phi về cảng Đà Nẵng. Thông tin ban đầu cho thấy, từ đầu tháng 6-2021, Cục Hải quan TP Đà Nẵng đã phát hiện và lập chuyên án đấu tranh, theo dõi sát hành trình vận chuyển của lô hàng nêu trên và thông báo đến các lực lượng chức năng có liên quan như Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng, Cục Điều tra chống buôn lậu/Tổng cục Hải quan; Công an TP Đà Nẵng.

Cùng với các lực lượng chức năng, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã điều động tàu CSB 4032 tính toán, đón lõng, phát hiện và giám sát hoạt động của tàu SPIRIT OF KOLKATA (tàu chở container mà các lực lượng chức năng đang giám sát); đồng thời cử Tổ công tác Bộ Tư lệnh Vùng phối hợp Tổ công tác Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tiến hành các biện pháp trinh sát, nắm bắt và theo dõi tình hình tàu SPIRIT OF KOLKATA vào cảng Đà Nẵng và bốc dỡ hàng.

Đến 8 giờ ngày 17-7, Đoàn công tác liên ngành đã tiến hành khám xét đối với container số hiệu MSDU 1006024. Kết quả đã phát hiện 93 thùng các-tông được đóng gói, bọc nilông, có kích thước, chủng loại và trọng lượng khác nhau. Tổng trọng lượng ghi nhận hơn 3,17 tấn xương các loại (nghi là xương động vật quý hiếm). Trong đó, có 52 cái (khúc) khối lượng hơn 138kg là sừng tê giác…

Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV chia sẻ: "Phát huy các kết quả đạt được, ENV hy vọng các cơ quan chức năng trên cả nước sẽ tiếp tục tăng cường nỗ lực đấu tranh với các vi phạm về ĐVHD nói chung và sừng tê giác nói riêng. Đặc biệt, cần tập trung các nguồn lực vào việc điều tra, làm rõ các đường dây buôn bán, vận chuyển sừng tê giác trái phép và những đối tượng đứng sau hoạt động của các đường dây này. Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục áp dụng các bản án nghiêm khắc dành cho các đối tượng phạm tội về tê giác để đảm bảo ý nghĩa răn đe, phòng ngừa loại tội phạm này. Đồng thời, ENV cũng khuyến nghị các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các hậu quả pháp lý nghiêm trọng có thể gặp phải nếu thực hiện hoạt động mua bán, sử dụng, tiêu thụ sừng tê giác trái phép".

ENV khuyến khích người dân cùng góp sức bảo vệ tê giác bằng cách thông báo vi phạm về tê giác đến đường dây nóng bảo vệ ĐVHD miễn phí 1800-1522 hoặc cơ quan chức năng địa phương gần nhất.

LÊ HẢI