Tăng cường giải pháp PCCC tại các kiệt hẻm
Năm 2023, trên địa bàn quận Thanh Khê từng xảy ra vụ cháy nhà trong kiệt nhỏ khiến 2 người tử vong. Từ thực tế nhu cầu trong công tác PCCC, những người dân tại đây đã cùng sáng chế phương tiện chữa cháy “mini”, có các trang thiết bị PCCC cơ bản và có thể luồn lách để thuận lợi đi vào các kiệt hẻm nhỏ khi có sự việc xảy ra. Nhiều người dân cho hay, ở khu dân cư 11 hiện có 550 hộ thường trú mà đa số ngôi nhà sống trong kiệt hẻm nhỏ, rất nhỏ. Khi có cháy thì xe chuyên dụng vào rất khó nên người dân sáng kiến ra chiếc xe này.
Tại quận Hải Châu, năm 2022, xuất phát từ việc nghiên cứu, chế tạo tại phường Nam Dương, đến nay xe kéo chữa cháy “mini” đa năng, linh hoạt trong chữa cháy ở khu vực kiệt, hẻm nhỏ đã được nhân rộng ra địa bàn 13 phường của quận. Các xe chữa cháy “mini” thường xuyên được Đội PCCC cơ sở sử dụng để tổ chức các buổi thực tập phương án chữa cháy tại khu dân cư, kiệt hẻm. Đây vừa là cơ hội để luyện tập kỹ năng chữa cháy cho lực lượng PCCC cơ sở, đồng thời kiểm tra hiệu quả hoạt động của các xe chữa cháy “mini”. Trong cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC hồi tháng 6-2024, Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Tự Gia Thạnh cũng nêu rõ, dù quận đã đầu tư mỗi phường 1 xe chữa cháy “mini” cải tiến để chữa cháy trong kiệt hẻm tuy nhiên không có họng chữa cháy thì không có nước, lực lượng chữa cháy cũng “bó tay”.
Thiếu tá Trần Phước Hùng - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Hải Châu cho hay, nếu không có những trụ nước nằm sâu trong kiệt hẻm thì lực lượng chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Bởi thực tế có những thời điểm vị trí cháy trong kiệt, hẻm cách đường chính đến 300m, 400m, thậm chí 700m.
Từ những sự cố thương tâm xảy ra do hỏa hoạn, ý thức người dân trong các kiệt hẻm về công tác PCCC tại Đà Nẵng đã dần nâng cao. Trước thực trạng xe chữa cháy khó tiếp cận đám cháy trong kiệt, hẻm và yêu cầu về nguồn nước phục vụ chữa cháy, nhiều năm qua, chính quyền TP Đà Nẵng cùng các quận huyện đã rà soát, lắp đặt thêm hàng trăm trụ nước chữa cháy trong các kiệt hẻm để tăng khả năng xử lý của các lực lượng. Theo Thiếu tá Phạm Kim Phước - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Thanh Khê, việc triển khai lắp đặt các trụ lấy nước trong kiệt, hẻm sâu giúp lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp kịp thời, nhanh chóng dập tắt đám cháy, giảm thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Cùng với lắp đặt các trụ chữa cháy trong các kiệt hẻm, Công an TP Đà Nẵng đã vận động các cơ sở, đơn vị có hệ thống chữa cháy trong khu dân cư tham gia mô hình “Điểm chữa cháy công cộng ban đầu” để có thể tận dụng tốt nhất khoảng thời gian vàng để dập tắt các đám cháy ngay khi phát hiện. Với mô hình “Điểm chữa cháy công cộng ban đầu”, các cơ sở có hệ thống PCCC, bể nước chữa cháy như trường học, công ty, khách sạn, siêu thị… sẽ đều là điểm phục vụ nguồn nước, phương tiện tại chỗ khi có sự cố trong khu dân cư.
Thành phố cũng đã nghiên cứu, rà soát và bổ sung đường ống cho các trụ chữa cháy đến tận các công trình như: chung cư, chợ, bệnh viện, trường học… không nhất thiết phải đầu tư bể nước chữa cháy và liên kết 2-3 công trình gần nhau dùng chung 1 bể nước phục vụ chữa cháy. Điều này là cần thiết trong bối cảnh hạ tầng giao thông ở các kiệt hẻm hạn chế và việc triển khai phương tiện chữa cháy lớn gặp nhiều khó khăn.
Đại tá Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng thông tin, trong những năm gần đây, TP Đà Nẵng đã cố gắng cải tạo và mở rộng một số kiệt hẻm để xe chữa cháy có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Điều này đòi hỏi sự đồng thuận của người dân và quá trình thực hiện có thể gặp khó khăn do các vấn đề về không gian và kiến trúc đô thị hiện hữu. “Chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền, làm mạnh, đẩy mạnh để người dân thấy được nguy hiểm của cháy ở khu dân cư mà lực lượng chữa cháy khó tiếp cận. Trong đó phát huy được lực lượng tại chỗ qua “Điểm chữa cháy công cộng”, “Điểm chữa cháy công cộng ban đầu” và “Tổ liên gia an toàn PCCC”… Chính quyền địa phương các quận đang lắp đặt các trụ nước đi sâu vào các kiệt hẻm để khi có cháy xảy ra sẽ thực hiện được phương châm “4 tại chỗ”.
MAI VINH