Tăng cường giám sát bảo đảm an toàn đối với thực phẩm sử dụng hằng ngày
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 do Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng tổ chức vào chiều 23-8.
Lãnh đạo UBND thành phố kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại cơ sở giết mổ gia cầm. |
Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP
Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP thành phố, thời gian qua, các sở, ngành, các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm về ATTP nên đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chấp hành các qui định pháp luật về ATTP. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2017, các các sở, ngành, các cấp đã tổ chức thanh, kiểm tra 9.889 cơ sở. Kết quả có 8.893 cơ sở đạt yêu cầu, xử phạt tiền về hành vi vi phạm ATTP 342 đối tượng (tổ chức, cá nhân) với tổng số tiền hơn 520 triệu đồng và cảnh cáo 654 đối tượng. Ngoài ra, Chi cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, xử phạt 399 cơ sở vi phạm về ATTP với tổng số tiền gần 750 triệu đồng, tịch thu 4.409 chai rượu các loại và 32 lít rượu không rõ nguồn gốc, 1 vụ buộc tiêu hủy 786 kg nấm các loại nhập lậu. Bên cạnh đó, Phòng CS Môi trường CATP đã phối hợp với các đơn vị kiểm tra phát hiện 47 vụ, xử lý 47 đối tượng (41 cá nhân và 6 tổ chức) vi phạm về ATTP, phạt tổng số tiền hơn 458 triệu đồng. Đồng thời, đã tiến hành tịch thu tiêu hủy 8,2 tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, bốc mùi hôi thối; 500 kg giá đỗ, 250 ống thuốc kích thích tăng trưởng và 55 kg hóa chất Trung Quốc, 120 kg chả có chất cấm, 6 kg hàn the, 1 tấn thức ăn chăn nuôi giả, 750 kg măng tươi có hóa chất cấm Vàng Ô...
Song song với đó, ngành NN&PTNT đã tiến hành giám sát ô nhiễm sinh học, hóa chất tồn dư trong thực phẩm nông lâm thủy sản được 136 mẫu. Kết quả, 119 mẫu đạt, 15 mẫu chưa có kết quả và 3 mẫu không đạt. Sở Công thương đã chủ trì phối hợp với Phòng Kinh tế Q. Ngũ Hành Sơn và Q. Cẩm Lệ lấy 24 mẫu (9 mẫu bún và 15 mẫu rượu thủ công). Kết quả kiểm nghiệm cho thấy 15/15 mẫu rượu đều đạt và 8/9 mẫu bún đạt yêu cầu, 1 mẫu bún bị nhiễm chỉ tiêu vi sinh vật. Đồng thời, Chi cục ATVSTP thành phố tiến hành lấy 414 mẫu xét nghiệm (248 mẫu gửi labo, 166 mẫu test nhanh). Kết quả, 166 mẫu test nhanh đều đạt, 248 mẫu gửi labo thì có 225 mẫu đạt và 23 mẫu không đạt. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã kiểm tra giám sát 193 mẫu thực phẩm nhập khẩu, kết quả đạt 100%. Ngoài ra, UBND quận, huyện xét nghiệm 1.221 mẫu, gồm 1.096 test nhanh (không đạt yêu cầu 15 mẫu, gồm 10 mẫu hàn the, 5 mẫu dương tính với test nhanh methanol), 125 mẫu gửi labo (không đạt 3 mẫu, trong đó 1 mẫu chả có hàn the, 1 mẫu cà phê có hàm lượng cafein không đạt, 1 mẫu tôm có Agar).
Đặc biệt, Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục ATVSTP thành lập Đội phản ứng nhanh để điều tra, xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố, và thông báo đường dây nóng phản ánh thông tin về ATTP của Chi cục ATVSTP đến các sở, ban, ngành.
Tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm
Ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, lực lượng chức năng tiếp tục bố trí cán bộ trực đêm để theo dõi, phối hợp với Ban quản lý các chợ hướng dẫn các chủ cơ sở kinh doanh kê khai nguồn gốc thủy sản nhập vào chợ theo đúng nội dung tại Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND. Lũy kế từ ngày 1-1-2017 đến ngày 25-6-2017, đã có hơn 7.900 lượt tàu và gần 6.000 lượt ô-tô thực hiện kê khai với số lượng khai báo qua cảng cá, chợ cá hơn 46.100 tấn (đạt 100%). Trong đó, thủy sản khai thác là hơn 44.600 tấn và thủy sản nuôi là 1.500 tấn. Đối với sản phẩm thủy sản qua cảng cá, có nguồn gốc được đánh bắt từ các vùng biển tập trung từ vỹ tuyến 15 (biển Đà Nẵng) đến vỹ tuyến 18 (vịnh Bắc Bộ) và cách bờ từ 20 hải lý đến kinh tuyến 111, trong đó đánh từ vỹ tuyến 16-18 chiếm đa số. Đối với sản phẩm thủy sản qua chợ cá: thủy sản khai thác có nguồn gốc từ Quảng Ngãi, Quảng Bình, Bình Thuận, Vũng Tàu, TT Huế...; thủy sản nuôi có nguồn gốc chủ yếu từ Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Tiền Giang và một số tỉnh khác.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đề nghị các cấp ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Chương trình 4 an trên địa bàn thành phố đối với lĩnh vực ATTP. Đồng thời tập trung thực hiện các Đề án, Kế hoạch của UBND TP. Trong đó, tập trung tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm và hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra; thành lập các đội phản ứng nhanh và phương án điều tra, xử lý nhanh các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Cũng như, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn kịp thời các vi phạm của pháp luật về ATTP; giám sát đảm bảo ATTP trong các lễ hội, sự kiện, đặc biệt là Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra tại thành phố. Song song với đó, các cấp ngành, đơn vị liên quan tập trung tiến hành thực hiện kế hoạch kiểm tra lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do các ngành quản lý. Đặc biệt, tăng cường giám sát bảo đảm ATTP đối với ngành hàng như: sản xuất, pha chế rượu, sản phẩm chế biến nông - lâm - thủy hải sản, hải sản tươi sống; thực phẩm nhập khẩu, nhóm mặt hàng thực phẩm sử dụng hằng ngày như bún, mỳ, phở...
LÊ HÙNG