Báo Công An Đà Nẵng

Tăng cường hợp tác phòng chống bệnh truyền nhiễm qua biên giới

Thứ sáu, 05/12/2014 09:46

(Cadn.com.vn) - Tình hình, công tác giám sát, đáp ứng và bài học kinh nghiệm đối với các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc và tử vong cao tại các tỉnh có đường biên giới giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia; vật chủ, véc tơ truyền bệnh dịch hạch tại một số cửa khẩu khu vực Tây Nguyên; bài học kinh nghiệm kiểm soát bệnh truyền nhiễm qua biên giới; kế hoạch đáp ứng đối với bệnh Ebola, bệnh tả, cúm, Mers-CoV;... là những nội dung chính được đề cập tại Hội thảo chia sẻ thông tin và kinh nghiệm phòng chống bệnh truyền nhiễm qua biên giới giữa Việt Nam - Lào - Campuchia tổ chức 2 ngày (4 đến 5-12) tại TP Đà Nẵng.

Cẩn trọng với "căn bệnh lãng quên"

Dịch hạch là một trong những "căn bệnh lãng quên" được nhắc đến tại hội thảo lần này. Trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, nhiều năm qua không còn tồn tại dịch hạch. Thế nhưng gần đây, dịch hạch đang quay lại tại một số nước với tỷ lệ tử vong cao. Điều đáng nói, dịch hạch trở nên phức tạp hơn khi xuất hiện tình trạng kháng thuốc và sự biến đổi khí hậu.

Theo bác sĩ Phạm Công Tiến, Trưởng Khoa Côn trùng-Miễn dịch (Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên), trong bối cảnh toàn cầu hóa, các hoạt động thương mại và du lịch diễn ra liên tục; chuột mang mầm bệnh có thể theo các phương tiện vận chuyển hàng hóa và du lịch như tàu biển, tàu hỏa, ô-tô, máy bay xâm nhập và lây bệnh cho các loài gặm nhấm khác và lây sang người thông qua vật trung gian truyền bệnh là bọ chét.

Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A, tối nguy hiểm bởi diễn tiến bệnh nhanh, tốc độ lây lan mạnh và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế. Bệnh do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra, lưu hành trong quần thể động vật thuộc những loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trên chúng. Bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn. Bệnh dịch hạch biểu hiện triệu chứng đột ngột, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, sau đó toàn phát với các triệu chứng đặc trưng là nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sưng hạch…

Bác sĩ Phạm Công Tiến cho biết: Tính đến nay, ca nhiễm dịch hạch cuối cùng tại Việt Nam là vào tháng 3-2003. Tuy vậy, không thể chủ quan với căn bệnh chết người này. Dẫn chứng như Ấn Độ từng có giai đoạn 40 năm liên tiếp "quên" dịch hạch, nhưng khi dịch trở lại thì làm hàng ngàn người tử vong. Hiện nay, Madagascar đã xuất hiện 119 ca mắc, trong đó 40 người tử vong là một con số báo động mới cho tình hình nguy hiểm khó lường của bệnh dịch hạch.

Cũng theo bác sỹ Phạm Công Tiến, từ tháng 8 đến tháng 11-2014, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã thực hiện cuộc nghiên cứu về vật chủ, véc tơ truyền bệnh dịch hạch tại các cửa khẩu khu vực Tây nguyên. Kết quả thật đáng lo ngại khi chỉ số bọ chét và tỷ lệ nhiễm bọ chét trên các đàn chuột ở các cửa khẩu quá cao. Trong khi đó, bọ chét nhiễm khuẩn là vật thể trung gian lây truyền bệnh dịch hạch.

Cụ thể nghiên cứu này giám sát 4 loài mang mầm bệnh dịch hạch là chuột lắt, chuột rừng, chuột bóng, chuột chù. Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm bọ chét của chuột lắt đến trên 55%, chuột rừng trên 31%… Chỉ số bọ chét và tỷ lệ nhiễm bọ chét ghi nhận ở cửa khẩu Lệ Thanh (giáp biên giới Campuchia) gấp nhiều lần mức cảnh báo của WHO. Ở các cửa khẩu khác trong nghiên cứu trên, con số cũng báo động không kém. Đây là những nguy cơ có thể xuất hiện trở lại bệnh dịch hạch bất cứ lúc nào.

"Để phòng bệnh dịch hạch, mỗi người, mỗi gia đình cần thực hiện các biện pháp: giữ vệ sinh nhà cửa, sắp xếp gọn gàng không để chuột có nơi làm tổ; thức ăn, thực phẩm phải được che đậy an toàn..., tránh để chuột tiếp xúc; thực hiện các biện pháp diệt chuột, bọ chét, phá hủy nơi sinh sản của chuột. Khi thấy nhiều chuột chết tự nhiên bất thường phải khai báo ngay cho cơ quan chức năng để có các biện pháp ứng phó kịp thời  nơi gần nhất; khi có các biểu hiện nghi dịch hạch ( sốt, nổi hạch…) phải đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị kịp thời…", bác sỹ Tiến khuyến cáo.

Đại biểu 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Phòng bệnh, nhìn từ Việt Nam

Ngoài việc đề cập đến "căn bệnh lãng quên", hội thảo còn là dịp để Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế Việt Nam), Cục Kiểm soát dịch bệnh (Bộ Y tế Campuchia) và Cục Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (Bộ Y tế Lào) đánh giá lại những kết quả hợp tác về phòng chống bệnh truyền nhiễm lan truyền qua biên giới thời gian qua, đồng thời chia sẻ những bài học kinh nghiệm về công tác kiểm dịch y tế biên giới.

* Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Trần Đắc Phu cho biết: Bệnh dịch hạch có thể được điều trị khỏi bằng các loại kháng sinh thông thường như Streptomycin, Chloramphenicol, Tetracycline, Sulfonamide.

Người mắc bệnh phải được điều trị sớm kể từ khi bệnh phát và kéo dài đủ liều, đủ thời gian để tránh các biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong. Song song với việc điều trị bằng kháng sinh, người bệnh cần phải điều trị triệu chứng chống nhiễm độc thần kinh, chống rối loạn thần kinh nội tiết, rối loạn đông máu, rối loạn cân bằng kiềm toan nhất là trong các trường hợp bệnh nặng.

Theo nhận định của đại diện lãnh đạo đoàn 3 nước thì không riêng gì "căn bệnh lãng quên", các bệnh truyền nhiễm mới nổi như Ebola, H7N9… cũng đang diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, đòi hỏi 3 nước cần tiếp tục hợp tác, chia sẻ thông tin dịch bệnh kịp thời để có các biện pháp phòng chống hiệu quả.

Ngoài ra, tại hội thảo, đại diện 3 đoàn cũng thống nhất về cơ chế chia sẻ thông tin về bệnh truyền nhiễm giữa các cặp cửa khẩu của các tỉnh có chung đường biên giới, danh sách các bệnh truyền nhiễm phải kiểm dịch y tế, đối tượng cần kiểm dịch, các nội dung kiểm dịch y tế. Đồng thời, thống nhất đề xuất giữa Bộ Y tế 3 nước thường xuyên trao đổi thông tin tình hình dịch bệnh; tăng cường hỗ trợ để nâng cao năng lực cho hệ thống kiểm dịch cửa khẩu mỗi nước hoạt động đạt hiệu quả.

Đại diện đoàn của Lào và Campuchia cũng bày tỏ mong muốn cử người sang Việt Nam học tập chính sách, hướng dẫn và chiến lược phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm.  Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế Việt Nam), để kiểm soát dịch bệnh có thể lây truyền qua đường biên giới, Việt Nam xây dựng tổng số 44 trạm ở các cửa khẩu dọc chiều dài đất nước gồm 17 trạm giáp Trung Quốc, 11 trạm giáp Lào và 16 trạm giáp Campuchia.

Bộ Y tế Việt Nam cũng thiết lập mạng lưới giám sát đối với 5 loại bệnh dịch mới nổi gồm cúm mùa, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, tay chân miệng và một số bệnh dịch nói chung. Bác sĩ Ngữ Duy Nghĩa -  Phòng Giám sát và phòng chống dịch (Viện Vệ sinh và Dịch tễ Trung ương) công bố 10 bệnh có số mắc cao từ năm 2012-2014 ở khu vực giáp Lào và Campuchia.

Trong đó, bệnh đường hô hấp và tiêu hóa phổ biến nhất. Cụ thể các địa phương giáp Lào thường xuất hiện bệnh cúm mùa, tiêu chảy, lị, dại (riêng bệnh dại đã làm 79 người chết trong 3 năm); khu vực giáp Campuchia thường có bệnh truyền nhiễm như cúm mùa, tiêu chảy, thủy đậu, tay chân miệng (khu vực này đã có 38 người chết vì thủy đậu trong 3 năm qua).

T.Dũng