Báo Công An Đà Nẵng

Tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực

Thứ ba, 17/04/2018 08:02

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại “Hội nghị toàn quốc về Logistics - các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông” tổ chức ngày 16-4 tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến. Tại đầu cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Miên chủ trì.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công, thời gian qua hệ thống hạ tầng giao thông của nước ta đã được đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng giao thông đã có những chuyển biến hết sức rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác bước đầu đã phát huy hiệu quả. Chỉ số cạnh tranh của cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam giai đoạn 2015-2016 tăng 9 bậc, đứng ở vị trí 67 so với vị trí thứ 76 giai đoạn 2014-2015 và tăng 29 bậc so với vị trí 96 giai đoạn 2010-2011. Nhìn chung, sự phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian gần đây đã bước đầu đáp ứng yêu cầu vận tải để phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, tiến dần đến hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông trong nước chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế, đặc biệt là kết nối các trung tâm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, các vùng nguyên liệu, vật liệu với cảng biển, cảng hàng không, cảng đường thủy nội địa thông qua hệ thống đường bộ và đường sắt. Cơ sở hạ tầng hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải còn thiếu, manh mún, thiếu tính kết nối đặc biệt là việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển phân phối hàng hóa đã ảnh hưởng đến việc tối ưu hóa hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức. Theo Thứ trưởng Công, đây cũng là rào cản lớn, điểm nghẽn đối với hoạt động vận tải, làm tăng giá thành vận chuyển, giảm tính cạnh tranh về giá sản phẩm.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu làm tốt về logistics Việt Nam sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận chuyển, kho bãi... và làm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Thủ tướng khẳng định, bên cạnh sự nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thời gian qua Chính phủ đã chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại lớn trên thế giới và khu vực. Chính phủ cũng đã có quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Tuy nhiên thời gian qua, vẫn còn rất nhiều tồn tại hạn chế trong ngành logistics. Thủ tướng yêu cầu các ngành, các địa phương cần làm rõ các quy định pháp luật hiện nay về logistics đã đủ hay chưa, cần sửa đổi, bổ sung quy định nào?

Nhấn mạnh vai trò của kho bãi trong logistics, Thủ tướng chỉ rõ một thực trạng, có địa phương có cảng nội địa rất tốt, nhưng không dành vị trí tốt làm kho bãi mà đưa kho bãi xa cảng, từ đó đẩy chi phí vận tải lên cao. Liên quan đến hạ tầng và kết nối hạ tầng của các lĩnh vực giao thông thúc đẩy phát triển logistics, Thủ tướng cho rằng, hiện kết nối các tuyến giao thông với cảng, nhà ga, sân bay, cảng cạn... chưa được đồng bộ, nên cần có điều chỉnh, bổ sung để làm sao các trung tâm logistics, cảng trung chuyển kết nối hàng hóa (hệ thống bến cảng, sân bay...) phát huy được tiềm năng và lợi thế, phát huy hiệu quả các công trình đầu tư.

Đối với việc kết nối của các loại hình vận tải, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang yếu kém trong kết nối các loại hình vận tải đường thủy, đường sắt. Trong khi thị phần vận chuyển đường biển chỉ 4,7%, đường thủy 17,7%, đường sắt 0,39%, thì đường bộ chiếm tới gần 80%. “Do thị phần vận chuyển đường bộ quá lớn nên dẫn tới tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông cao, đường sá hư hỏng. Chúng ta có ít kinh phí làm đường này, nhưng vận tải thì vận chuyển siêu trường, siêu trọng như vậy thì đường nào chịu nổi. Đây là thực tế đang tồn tại lâu nay và các cấp, các ngành cần nhận thức rõ để thay đổi, chuyển phương thức mới. Tôi cũng đề nghị về lĩnh vực phát triển doanh nghiệp và nguồn lực phục vụ logistics, chúng ta cần tính toán thêm tính kết nối, chia sẻ cộng đồng của một số nhóm doanh nghiệp cùng hoạt động trong một tuyến, ngành hàng chưa hợp lý, điển hình như tình trạng vận tải một chiều. Phải có nguồn nhân lực để phát triển dịch vụ logistics một cách hiệu quả hơn” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu “giảm chi phí logistics xuống hơn nữa, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 60%, cộng cả lưu kho, bốc dỡ là khoảng 91%” bởi “đây là khâu quan trọng nên chúng ta cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn”. Thủ tướng nêu rõ quan điểm, logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế và phát triển dịch vụ logistics thành một ngành kinh tế đem lại giá trị gia tăng cao; gắn dịch vụ này với phát triển hàng hóa xuất nhập khẩu. Thủ tướng yêu cầu phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đưa ra mục tiêu phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

CÔNG HẠNH