Báo Công An Đà Nẵng

Tăng cường khả năng tạo việc làm từ các trường nghề

Thứ sáu, 25/09/2015 11:00

(Cadn.com.vn) - Trong khuôn khổ hội giảng dạy nghề toàn quốc 2015 tại Đà Nẵng, sáng 24-9, Tổng cục Dạy nghề và tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã tổ chức hội thảo phát triển và sử dụng chương trình khởi sự doanh nghiệp, tăng cường khả năng kinh doanh (SIYB) trong các cơ sở dạy nghề tại Việt Nam. Bên lề Hội thảo, P.V đã trao đổi với ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Trưởng Ban tổ chức Hội giảng về vấn đề này.

Ông Cao Văn Sâm.

P.V: Hiệu quả người học nghề nhận được khi đưa chương trình này vào công tác dạy nghề như thế nào thưa ông?

Ông Cao Văn Sâm: Dạy nghề là phải gắn với mục tiêu giải quyết việc làm, đáp ứng thị trường lao động, nhu cầu của doanh nghiệp. Cho nên ngoài việc HS-SV học nghề được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề, thái độ nghề nghiệp, điều quan trọng nhất là chúng ta phải trang bị cho họ kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp. Điều này sẽ hỗ trợ cho các em ngoài việc có việc làm, còn có thể tự tạo doanh nghiệp, giúp cho các em linh hoạt, năng động hơn trong việc tiếp cận giữa năng lực chuyên môn với môi trường sản xuất kinh doanh. Từ kỹ năng, năng lực nghề, các em có thể nhìn ra nhu cầu của thị trường và tự thành lập doanh nghiệp riêng của mình. Hiện nay chúng tôi đã phổ cập kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp trong các cơ sở dạy nghề. Tuy nhiên, cần phải nâng cao chất lượng trong các cơ sở dạy nghề để các em đáp ứng được 2 yêu cầu: thị trường lao động và khởi sự doanh nghiệp. Khi đưa vào giảng dạy, từ thầy cô giáo, trường nghề đến các em học sinh đều rất hào hứng vì  nhanh chóng nhận ra lợi ích của chương trình này.

Người lao động ngoài việc được trang bị kỹ năng nghề
còn được trang bị thêm kỹ năng khởi nghiệp.

P.V: Ông có nói về việc nhân rộng đội ngũ giáo viên, vậy hiện nay đã đáp ứng cho nhu cầu học, nhận biết thị trường của HS-SV  trường nghề chưa và đã có những kết quả nào thưa ông?

Ông Cao Văn Sâm: Việc đưa chương trình này vào các trường nghề là sự kết hợp, lồng ghép đúng đắn nhất, nhất là trong dạy nghề ngắn hạn, người học nghề nhận thức được mục đích rõ ràng hơn và có thêm động lực học tập. Điều quan trọng nhất là phải có đội ngũ giáo viên chất lượng và kinh nghiệm thực tế để giúp cho lao động ở mọi trình độ khác nhau có sự tự tin khởi nghiệp bằng chính nghề mình được học. Tính từ năm 2012 đến nay, Tổng cục Dạy nghề với sự hỗ trợ của ILO đã đào tạo được một đội ngũ giảng viên cao cấp gồm 14 người, trong đó có 1 giảng viên cao cấp được đào tạo tại nước ngoài trở thành hạt nhân nòng cốt cùng chuyên gia đến từ Thụy Sĩ triển khai chương trình SIYB; 80 giảng viên hạt nhân và 620 giảng viên được nhân rộng cho các cơ sở dạy nghề. Từ đó, các giảng viên cao cấp, giảng viên hạt nhân và giảng viên đã trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo SIYB cho hàng chục ngàn người học nghề (chủ yếu là các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn). Chỉ riêng trong tháng 9-2014, có khoảng 200 lao động nông thôn đã được hỗ trợ học chương trình SIYB lồng ghép vào chương trình đào tạo nghề theo Đề án 1956 với 200 bản kế hoạch kinh doanh đã được xác lập, trong đó có 45 bản được lựa chọn tham gia cuộc thi “Kế hoạch kinh doanh” do ILO và Tổng cục Dạy nghề tổ chức và có 3 bản được trao giải trị giá 3.000 USD.

P.V: Xin cảm ơn ông về buổi trao đổi này!

Lê Anh Tuấn
(thực hiện)