Tăng cường kiểm soát dịch tại các chợ
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng cho biết, trong ngày Đà Nẵng ghi nhận 984 ca mắc COVID-19, gồm 1 ca cách ly tập trung, 301 ca cách ly tại nhà, 5 ca trong khu phong tỏa và 677 ca cộng đồng. Trong số 677 ca cộng đồng có 395 ca tự đến các bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế khám bệnh, xét nghiệm; 250 ca test nhanh dương tính được trạm y tế các phường, xã lấy mẫu; 13 ca về từ ngoại tỉnh; 9 ca lấy mẫu tiểu thương chợ Hòa Khánh, chợ Mỹ An; 10 ca xét nghiệm định kỳ tại các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tại các chợ.
939/984 ca mắc COVID-19 trong ngày có khả năng lây cộng đồng, tập trung ở một số địa phương: Thanh Khê (185 ca), Hải Châu (172), Cẩm Lệ (169), Sơn Trà (141), Liên Chiểu (129), Hòa Vang (85), Ngũ Hành Sơn (58).
Trong ngày, lực lượng chuyên môn xét nghiệm 8.337 lượt người (RT-PCR 6.350 lượt, test nhanh 1.987 lượt).Đến nay, TP đã tiêm 2.150.756 mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó tiêm mũi 1 cho 980.553 người, mũi 2 cho 961.209 người và mũi 3 cho 208.994 người.Hiện TP có 266 khu vực phong tỏa với 970 hộ (3.776 nhân khẩu), duy trì 7 cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly 101 người.
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP chiều 22-1, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung các giải pháp phòng, chống dịch tại các điểm nóng; tăng cường nhân lực, phương án điều trị F0 khi số ca mắc mới tăng cao.
Theo đánh giá, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng mỗi ngày, trong đó xuất hiện thêm nhiều điểm nóng như tại chợ Cẩm Lệ, chợ Hàn, chợ Cồn. Thời điểm cuối năm, người dân tăng cường các hoạt động mua sắm phục vụ tất niên, sắm Tết. “Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm COVID-19 với tốc độ cao. Đề nghị Sở Công Thương và UBND các quận, huyện chỉ đạo ban quản lý các chợ tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tổ chức sàng lọc, xét nghiệm phù hợp để đánh giá tình hình chính xác”, bà Ngô Thị Kim Yến chỉ đạo.
Về việc điều trị F0 tại nhà, lãnh đạo TP yêu cầu các đơn vị, địa phương cần huy động tối đa các lực lượng tham gia, trong đó tập trung nhân lực y tế để phục vụ công tác chuyên môn. Ngành Y tế chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn cho lực lượng tăng cường.
“Nên đa đạng hóa các hình thức điều trị tại nhà. Hiện nay có một số cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ và tiếp nhận điều trị F0 theo yêu cầu. Ngành Y tế cần nghiên cứu trên tinh thần chia sẻ gánh nặng cho tuyến y tế cơ sở trong việc quản lý, điều trị F0 tại nhà”, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Kim Yến yêu cầu.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần nghiên cứu thiết lập trạm y tế lưu động tại khu công nghiệp. BQL Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đón công nhân sau Tết. Trong đó đặc biệt lưu ý công tác sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ. Mục đích bảo đảm an toàn hoạt động sản xuất, kinh doanh đầu năm.
Về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 nhắc lại mũi 3 theo chủ trương của Chính phủ và TP, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu ngành Y tế và các địa phương xây dựng kế hoạch tiêm chủng phù hợp, nhất là thời điểm trước và sau Tết.
Phi Nông