Báo Công An Đà Nẵng

Tăng cường kiểm tra, giám sát ATTP trong thời điểm nắng nóng

Thứ hai, 08/06/2020 18:00

Thời gian qua, tình hình nắng nóng kéo dài làm bùng nổ nỗi lo về vấn đề an   toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Mới đây nhất, cả thành phố lao đao vì vụ ngộ độc thực phẩm chay ở chợ Túy Loan (H. Hòa Vang) khiến cho 230 người phải nhập viện cấp cứu. Bên cạnh đó, nhiều vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn liên tục được lực lượng chức năng điều tra, phát hiện cũng là vấn đề khiến dư luận xã hội rất quan tâm. Trước thực trạng trên, chính quyền thành phố đã đề ra những giải pháp gì để chủ động phòng tránh nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP); ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm (NĐTP)? Xung quanh vấn đề này,  Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Hải – Trưởng Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Tấn Hải – Trưởng Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng.

P.V: Thưa ông Nguyễn Tấn Hải, ông có thể cho biết khái quát tình hình quản lý ATTP từ đầu năm đến nay?

Ông Nguyễn Tấn Hải: Tình hình ATTP từ đầu năm đến nay tương đối ổn định; ATTP trong thời kỳ giãn cách xã hội của TP được đảm bảo. Sau thời kỳ giãn cách xã hội, các chuỗi cung ứng nguyên liệu, hóa chất, thực phẩm khi hoạt động trở lại gặp không ít khó khăn, dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro về mất an toàn, trong đó có nguy cơ về mất ATTP. Trước trong và sau giãn cách xã hội, Ban QL ATTP nhận diện rõ các mối nguy này và tiến hành các biện pháp cần thiết cùng với UBND các quận, huyện thực hiện đảm bảo ATTP cho người dân. Trong 5 tháng đầu năm 2020, Ban QL ATTP TP đã kiểm tra 14.136/22.491 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố, đạt tỷ lệ 62,85%, kết quả phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 49 trường hợp với số tiền 410,36 triệu đồng.

P.V: Thưa ông, những nguy cơ về mất ATVSTP trong thời điểm nắng nóng là gì?

Ông Nguyễn Tấn Hải: Các mối nguy cơ về mất ATTP luôn hiện hữu, không chỉ vào mùa hè, mà còn ở tất cả các mùa trong năm. Tuy nhiên vào mùa nắng nóng, mức nhiệt độ cao trong thời gian này rất thích hợp cho vi sinh vật phát triển nhanh và mạnh, nên thực phẩm cũng dễ bị ôi thiu, hư hỏng. Bên cạnh đó, nguy cơ ô nhiễm, gây “bẩn” thực phẩm do vi sinh vật có thể xảy ra ở bất cứ công đoạn nào của quá trình sản xuất như: sơ chế, chế biến, vận chuyển, bảo quản và ăn uống. Vì vậy trong thời điểm nắng nóng, nguy cơ NĐTP do vi sinh vật gây ra luôn được đánh giá ở mức cao.

P.V: Vậy Ban Quản lý ATTP đã có những giải pháp gì để công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn TP được hiệu quả, thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Hải: Trước tình hình trên, Ban QL ATTP TP đề ra 4 giải pháp để chủ động giám sát, đảm bảo ATVSTP tại Đà Nẵng. Trong đó, chúng tôi tập trung xây dựng mô hình chợ đảm bảo đủ điều kiện ATTP và duy trì chất lượng ATTP đạt được tại các chợ này (trong năm 2019 xây dựng 8 chợ ATTP, năm 2020 sẽ có thêm 10 chợ đăng ký mới mô hình này). Đặc biệt, chúng tôi sẽ liên tục kiểm tra, trực tiếp triển khai lấy mẫu thực phẩm và giám sát ô nhiễm thực phẩm đối với 23 chợ dân sinh trên địa bàn TP nhằm ngăn chặn không để thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường. Đối với những trường hợp vi phạm các quy định về ATVSTP, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

P.V: Hiện nay, thức ăn đường phố đã trở thành hình thức ăn uống quen thuộc của người dân vì nó đáp ứng nhu cầu nhanh, rẻ và tiện lợi. Nhưng đằng sau sự thuận lợi ấy là nguy cơ về mất ATVSTP, NĐTP rất lớn. Vậy, đơn vị đã có những giải pháp gì để quản lý chặt chẽ vấn đề này, thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Hải: Có thể nói, nguy cơ về mất ATTP tại các hàng quán vỉa hè luôn được đơn vị quan tâm, giám sát chặt chẽ. Trong đó, chúng tôi tập trung xây dựng mô hình điểm tuyến phố, khu phố ẩm thực đảm bảo ATTP. Đặc biệt, đơn vị đã tham mưu UBND TP ban hành Quyết định số 31-2018/QĐ-UBND ngày 28-9-2018 về Quy định phân công, phân cấp, phối hợp quản lý ATTP trên địa bàn thành phố. Quyết định này đã phân công, phân cấp cụ thể và quy định UBND xã, phường có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, tuyên truyền ATTP đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

Ban ATTP Đà Nẵng phối hợp với Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc Gia điều tra vụ ngộ độc thực phẩm tại chợ Túy Loan.

P.V: Tình hình thời tiết nắng nóng dự báo sẽ còn kéo dài, nguy cơ về ngộ độc thực phẩm chắc chắn vẫn là nỗi lo chung của người dân, ông có khuyến cáo gì đối với người tiêu dùng?

Ông Nguyễn Tấn Hải: Để phòng ngừa NĐTP và các bệnh truyền qua đường thực phẩm, chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng cần phải thực hiện đầy đủ các biện pháp chế biến thực phẩm an toàn. Trong đó, người dân cần rửa tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm và thường xuyên giữ tay sạch trong quá trình chế biến thực phẩm; không để thực phẩm bị côn trùng, sâu bọ, súc vật và các loại động vật khác xâm phạm. Ngoài ra, không nên để thức ăn đã nấu chín hơn 2 giờ ở nhiệt độ thông thường trong phòng; không giữ thức ăn quá lâu, kể cả ở trong tủ lạnh. Đặc biệt, chúng ta cần chọn thực phẩm tươi nguyên, không sử dụng thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng; chọn và sử dụng các loại hóa chất trong sản xuất an toàn cho người tiêu dùng…

P.V: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Quốc (thực hiện)