Báo Công An Đà Nẵng

Tăng cường phối hợp giữa thủy điện và chính quyền địa phương

Thứ sáu, 05/10/2018 11:19

Ngày 4-10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi làm việc với các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh về công tác chuẩn bị và phối hợp điều hành mùa lũ năm nay. Tham dự buổi làm việc có gần 10 nhà máy thủy điện trên hệ thống thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn, chính quyền các địa phương vùng hạ du cùng các ban, ngành liên quan. Ông Lê Trí Thanh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì buổi làm việc.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. 

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trương Xuân Tý-Chánh văn phòng BCH PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay Sở NN&PTNT tỉnh đã tham mưu về Phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập thủy điện năm 2018. Theo đó đã kiểm tra, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt 12 phương án; kiểm tra, thẩm định, đang trình UBND tỉnh xem xét 3 phương án; góp ý đề nghị các chủ đập bổ sung, hoàn thiện 3 phương án. Về thực hiện Phương án phòng, chống lụt, bão đảm bảo an toàn đập, đến nay UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Công Thương đã phê duyệt 14 Phương án của các thủy điện: A Vương, Sông Côn 2, Sông Tranh 2, Đắk Mi 4A-B-C, Sông Bung 4, Sông Bung 6, Khe Diên, Za Hung, An Điềm II, Sông Bung 4A, Đắk Sa, Đắk Mi 3, Đắk Pring. Sở Công Thương cũng đã tổ chức đoàn công tác liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão, quản lý an toàn đập năm 2018 của các nhà máy thủy điện và có báo cáo kết quả kiểm tra. Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Nam tiếp tục nâng cấp và vận hành trang thông tin điện tử tại địa chỉ http://pctt.quangnam.vn và đề nghị các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến địa chỉ trang thông tin điện tử trên. Đặc biệt, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Nam cũng đã lập trang Facebook "Quảng Nam-Thông tin phòng chống thiên tai" để các ngành chức năng và nhân dân biết, chủ động theo dõi thông tin chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai và thông tin về vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Nhằm nâng cao công tác thông tin, phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở địa phương với các chủ đập thủy điện, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam cho rằng trong thời gian đến cần tổ chức ký kết Quy chế phối hợp giữa Ban với các chủ đập thủy điện; giữa các chủ đập thủy điện với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện vùng hạ du trong công tác phối hợp vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện trong mùa lũ; các chủ đập thủy điện tổ chức xây dựng, lắp đặt hệ thống loa cảnh báo lũ từ xa để thông tin cảnh báo trực tiếp đến người dân; lắp đặt mốc thủy chí báo ngập vùng hạ du và biển chỉ dẫn sơ tán dân; các chủ hồ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các Hội nghị truyền thông, đối thoại trực tiếp với người dân nhằm giới thiệu về hệ thống thủy điện trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn, giới thiệu về Quy trình vận hành liên hồ chứa...

Thủy điện Đắc Mi 4 xả lũ về hạ lưu trong mùa mưa lũ 2017.

Tại buổi làm việc, đa số đại diện các chủ hồ thủy điện và chính quyền địa phương vùng hạ du đồng tình với những giải pháp mà Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam đưa ra. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng cho rằng công tác phối hợp giữa các thủy điện với chính quyền địa phương vùng hạ du những năm qua chưa được chặt chẽ, kịp thời. "Thủy điện cần tăng cường sự phối hợp với địa phương trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi xuất hiện những tin đồn thất thiệt, gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Như trường hợp tin đồn vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra cuối năm 2017. Thời điểm đó tin đồn xuất hiện từ sáng sớm, khiến người dân già trẻ, lớn bé kéo nhau lên núi trú ẩn. Trong khi địa phương không nắm được thông tin chính thống để giải thích cho người dân biết. Đến chiều tối cùng ngày, sau khi có được thông tin chính thức, địa phương tiến hành vận động thì người dân trở về nhà"- ông Nguyễn Như Công, Chủ tịch UBND H. Hiệp Đức nêu ví dụ.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Lê Trí Thanh cho rằng trong thời gian qua, các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đã cơ bản thực hiện các quy trình, phương án được tỉnh và T.Ư phê duyệt nhằm đảm bảo điều tiết lũ trong mùa mưa. Tuy nhiên, trong thời gian đến các thủy điện cần khẩn trương tổ chức lập, phê duyệt Phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du; điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa; đảm bảo quan trắc được lượng nước về hồ; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và Đài Khí tượng thủy văn để chủ động ứng phó... Đối với thủy điện Sông Bung 2, ông Thanh cũng lưu ý đây là thủy điện đã từng xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn dòng sau khi tích nước xảy ra cuối năm 2016. Do vậy, mặc dù các ngành chức năng T.Ư đã kiểm tra, giám sát đảm bảo đủ điều kiện để chuẩn bị tích nước trở lại, nhưng chủ đầu tư phải thận trọng, không nên chủ quan, sau khi tích nước phải theo dõi chặt chẽ an toàn đập. Đối với các địa phương, ông Lê Trí Thanh cũng yêu cầu khẩn trương rà soát các khu vực đông dân cư, nhiều người qua lại nơi có nguy cơ sạt lở, ngập lụt phải có thông báo, cắm biển cảnh báo cho người dân biết; hoàn thiện, cập nhật cảnh báo thiên tai theo cấp độ rủi ro; khi có thiên tai xảy ra phải thực hiện theo phương án đã được phê duyệt, tránh trường hợp lúng túng, bị động; đối với những công trình đang thi công dở dang nằm trên địa bàn thì địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc; tổ chức kè tạm thời những nơi có nguy cơ sạt lở cao. Những địa phương trước đây từng có các điểm xảy ra sạt lở cần kiểm tra lại để đánh giá, chủ động ứng phó; kiểm tra lại các khu TĐC đã an toàn trước mùa mưa bão hay chưa...

Trần Tân