Tăng cường phòng chống cháy rừng mùa cao điểm
(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, thời tiết khu vực miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng nhiệt độ tăng cao, khiến cho các vụ cháy rừng xảy ra liên tục. Chỉ trong ngày 21-6, trên địa bàn Đà Nẵng đã liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy rừng tại rừng trồng bạch đàn thuộc sự quản lý của lữ đoàn 532 (P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu) bán đảo Sơn Trà và rừng đặc dụng Bà Nà (Hòa Phú, H. Hòa Vang). Trước tình hình đó, lãnh đạo Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng đã có buổi họp khẩn cấp rút kinh nghiệm phòng, chữa cháy rừng và thảo luận các phương án, phương tiện phòng ngừa, chữa cháy hiệu quả hơn.
Lực lượng PCCC trèo đèo vượt suối để tiếp cận đám cháy. |
Trong các vụ cháy kể trên, vụ cháy tại tiểu khu 52, 53, xã Hòa Phú phải mất 3 ngày mới dập tắt hoàn toàn. Để tiếp cận điểm cháy, lực lượng CSPC&CC TP cùng các đơn vị tham gia phải trèo đèo vượt suối, băng rừng mới đến được hiện trường. Đây là vụ cháy lớn với tốc độ lửa lan nhanh trên diện rộng, phải huy động các lực lượng kiểm lâm, BQL rừng đặc dụng, BCHQS, các đơn vị quân đội thuộc Quân khu V, dân quân tự vệ huyện... Tuy rất nỗ lực, song khi đám cháy được khống chế, thiệt hại rất lớn: ít nhất khoảng 100 ha rừng trồng keo của các hộ dân xã Hòa Phú và một số diện tích đất trồng, cây bụi lau lách đã bị thiêu rụi.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do người dân đốt thực bì. Theo quy định, hộ dân có rừng nếu muốn đốt thực bì và phần sót lại của keo sau khi khai thác phải làm đường băng cản lửa trên 5 mét, báo với chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn. Sau đó kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương trực tiếp đi kiểm tra, nếu đạt yêu cầu sẽ cấp giấy phép cho người dân đốt thực bì. Thời gian đốt theo quy định phải đốt vào lúc nhiệt độ thấp nhất, khu vực đốt quá lớn phải chia nhỏ ra nhiều mảnh để tránh cháy liên hoàn và ngọn lửa lớn. Mặc dù chính quyền địa phương và kiểm lâm cơ sở tuyên truyền vận động về quy định việc đốt thực bì nhưng nhiều trường hợp người dân địa phương tự ý đốt mà không xin phép.
Khi đó, sự chuẩn bị về các phương án chữa cháy và phương tiện chữa cháy không được kịp thời. UBND xã Hòa Phú đã nhiều lần xử lý hành chính về việc người dân đốt thực bì tự ý, không xin phép trong thời gian qua. Giải thích về điều này ông Đặng Minh Hà, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Hòa Phú phân tích: "Do tâm lý chủ quan của người dân, nhiều người nghĩ rằng đốt một đám thực bì nhỏ như vậy thì không nguy hiểm gì, nên không đến chính quyền và kiểm lâm cơ sở để xin phép, mặt khác có một số người sau khi châm lửa thì trở về nhà, không ở lại để theo dõi đám cháy nên sự cố mới xảy ra. Khi đám cháy lan rộng thì mới hối hả báo để mọi người dập lửa. Chính nguyên nhân tâm lý chủ quan của con người mà gây ra những sự việc nghiêm trọng".
Nỗ lực dập lửa cứu rừng. |
Vụ cháy ở núi Sơn Trà vào lúc 14 giờ ngày 21-6 cũng là vụ cháy phức tạp, khi người đi đường đã phát hiện có khói bốc lên gần khu vực Bãi Bắc gọi điện báo, lực lượng CSPC & CC đã huy động 2 xe chữa cháy cùng 15 CBCS tiếp cận hiện trường, sau đó đã huy động thêm 1 xe chữa cháy, 1 xe chở lực lượng và nhiều dụng cụ khác như máy bơm, xẻng, rựa... cùng trên 60 CBCS, đồng thời xin chi viện 2 xe chữa cháy và 1 xe chở phương tiện từ Phòng Cảnh sát PC&CC số 1 (Hải Châu), phối hợp cùng với dân quân tự vệ, kiểm lâm, biên phòng, công an và ca nô của Ban chỉ đạo phòng chống cháy rừng Quận tham gia. Và phải sau 10 giờ triển khai lực lượng, phương tiện phun nước dập tắt đám cháy từ nhiều hướng, đám cháy mới được dập tắt, Điều đáng nói là, cũng trong ngày 21-6, tại khu vực này tiếp tục xảy ra 2 vụ cháy khác và cũng đã được dập tắt.
Một khoảng đồi cháy xém do người dân đốt thực bì. |
Điểm lại các vụ cháy, Đại tá Nguyễn Phong, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC TP Đà Nẵng cho rằng, để làm tốt hơn trong công tác chữa cháy rừng trong thời gian tới, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp cần làm tốt công tác trinh sát để tham mưu, chỉ đạo triển khai quân kịp thời và hiệu quả; tiếp tục đảm bảo thông tin liên lạc. Đặc biệt, với những khu rừng, núi lớn như rừng đặc dụng Hải Vân, núi Sơn Trà, Bà Nà, Non Nước... là những vùng có địa hình phức tạp, khả năng cháy lan lớn nên rất cần lập phương án chữa cháy cụ thể, chuẩn bị tốt hơn nữa công tác hậu cần và tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng lửa gần khu vực rừng. Bên cạnh đó, người dân cần thông báo nhanh các thông tin về các vụ cháy đến cơ quan chức năng hoặc thông qua đường dây nóng 114.
Tuấn- Tú