Báo Công An Đà Nẵng

Tăng cường phòng, chống lừa đảo trực tuyến

Thứ bảy, 01/06/2024 07:20
Nhóm 5 đối tượng lập web đánh bạc giả chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng đang bị Công an TP Đà Nẵng xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, những vụ lừa đảo cũng liên tiếp xảy ra như mạo danh Cảnh sát giao thông; Viện Kiểm sát; giả mạo cơ quan Công an... và các chiêu bài quảng cáo dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, thu hồi tiền lừa đảo, tuyển cộng tác viên online.

Vào cuộc mạnh mẽ, Công an TP Đà Nẵng đã điều tra, xử lý các vi phạm trên không gian mạng, bóc gỡ nhiều đường dây mua bán dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng, sim rác. Nổi bật Công an TP Đà Nẵng đã triệt xóa nhóm đối tượng Cao Văn Hiếu và Mai Thanh Quốc (17-9-2024) thực hiện hành vi hack 1.000 tài khoản facebook và chiếm đoạt tài sản của hơn 500 bị hại trên cả nước với số tiền khoảng 10 tỷ đồng; xử lý nhóm 5 đối tượng và tang vật trong vụ lừa đảo trực tuyến trên mạng (5-2024) lập web đánh bạc giả chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng.

Thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 27-3-2023 của Thành ủy Đà Nẵng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn TP, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Thông tin- Truyền thông đã đề nghị các doanh nghiệp viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ 133 số thuê bao; tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú để người dân kịp thời tố giác tội phạm, cung cấp thông tin cho lực lượng Công an khi phát hiện hoạt động nghi vấn liên quan đến tội phạm trên không gian mạng qua Đường dây nóng 113 hoặc qua fanpage Facebook, Zalo OA của Công an TP. Bên cạnh đó, Sở công khai, xác thực tính chính danh đối với các kênh thông tin của TP, cùng với tick xanh các trang facebook, brand name Tổng đài 1022, zalo OA của các quận, huyện, phường, xã, ứng dụng Da Nang Smart City. Các kênh truyền thông chính thống cũng đã tổ chức các phóng sự, tin bài tuyên truyền nhận biết các phương thức, thủ đoạn tinh vi của tội phạm công nghệ cao trong nhân dân để chủ động phòng ngừa với hơn 950 bài viết, thu hút hơn 82.000 lượt tiếp cận; tuyên truyền thông qua 2.500 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 13.000 thành viên. Đặc biệt, Đà Nẵng đã triển khai các giải pháp kỹ thuật an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân như: đầu tư nâng cấp Trung tâm dữ liệu TP và các thiết bị an toàn thông tin chuyên dụng (SIEM, IPS, Firewall, phòng chống mã độc tập trung,...), áp dụng Tiêu chuẩn quốc tế ISO 27001:2013 về Quản lý an toàn thông tin đối với Trung tâm dữ liệu, đầu tư hệ thống Trung tâm phòng chống tội phạm công nghệ cao (Phòng An ninh mạng, Công an TP), làm sạch dữ liệu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG) và cấp tài khoản định danh điện tử (>90% dân số TP đã được cấp).

Đối tượng Mai Thanh Quốc và Cao Văn Hiếu bị bắt giữ vì đã hack 1.000 tài khoản facebook, chiếm đoạt tài sản của hơn 500 bị hại trên cả nước.

Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin TP Đà Nẵng Thái Thanh cho biết, để công tác chống lừa đảo trực tuyến hiệu quả hơn, các doanh nghiệp viễn thông cần sớm xử lý dứt điểm sim rác và làm sạch dữ liệu thuê bao di động, ngăn chặn các website, các từ khóa liên quan đến tín dụng đen trên không gian mạng, các hình thức sử dụng Voice-IP từ nước ngoài để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, sớm xây dựng các phương án kiểm soát công nghệ trí tuệ nhân tạo, các cuộc gọi Deep fake, Deep Voice. Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai các biện pháp tăng cường tính chính danh các kênh thông tin của cơ quan Nhà nước, làm sạch CSDLQG về dân cư và cấp 100% tài khoản định danh điện tử, chia sẻ dữ liệu từ CSDLQG về dân cư cho các địa phương khai thác phục vụ công tác quản lý Nhà nước tại địa phương và bảo đảm an toàn, an ninh, phòng chống lừa đảo trực tuyến. "Các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, nền tảng số tăng cường các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân theo Nghị định 13/2023/NĐ-CP, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xảy ra lộ lọt thông tin cá nhân", Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin TP Đà Nẵng nhấn mạnh thêm.

Lê Anh Tuấn

Ông Trần Ngọc Thạch- Phó Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết, mặc dù thông tin cảnh báo được gửi đi rất nhiều và phần lớn người dân ai cũng biết, thế nhưng vẫn có nhiều người bị mắc bẫy do hành vi lừa đảo quá tinh vi, khó nhận biết. Chính vì vậy, rất cần sự tham gia, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, người dân cần cẩn trọng trong việc cung cấp, lộ lọt dữ liệu cá nhân trên mạng tránh để kẻ gian lợi dụng để lừa đảo.