Báo Công An Đà Nẵng

Tăng cường quản lý nhà nước về BHXH, BHYT

Thứ bảy, 23/11/2013 12:31

(Cadn.com.vn) - Ngày 22-11, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 26-CTr/TU của Thành ủy Đà Nẵng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH và bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020.

Hội nghị do đồng chí Võ Công Trí, UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các ngành LĐ-TB-XH, Y tế, GD-ĐT, các trường đại học, cao đẳng, các khu công nghiệp trên địa bàn TP. BHXH và BHYT được xác định là 2 chính sách xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước, là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và thực hiện trên nguyên tắc "có đóng, có hưởng", quyền lợi tương ứng với nghĩa vụ, có sự chia sẻ giữa các thành viên.

Đồng chí Võ Công Trí, UVBTV Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 26-CTr/TU của Thành ủy Đà Nẵng.

Theo Nghị quyết số 21-NQ/TW, phấn đấu đến năm 2020, cả nước có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, trên 80% dân số tham gia BHYT; sử dụng an toàn và đảm bảo cân đối quỹ BHXH, quỹ BHYT.

Theo ông Đinh Văn Hiệp, Giám đốc BHXH TP Đà Nẵng, hiện nay toàn thành phố có 188.686 người tham gia BHXH, chiếm 38,9% lực lượng lao động; có 167.157 người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 34,5% lực lượng lao động; có 899.884 người tham gia BHYT, đạt  tỉ lệ bao phủ toàn dân 91%.

Chương trình hành động số 26-CTr/TU của Thành ủy Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, TP Đà Nẵng có khoảng 65% lực lượng lao động tham gia BHXH; trên 96% dân số tham gia BHYT. Theo đó, tỉ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH sẽ tăng từ 43% vào năm 2014 lên  65% vào năm 2020; tỉ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 94% vào năm 2014 lên 98% vào năm 2020.

Để thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình hành động, Thành ủy Đà Nẵng đề ra 4 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đó là: tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ BHXH, BHYT; tham gia hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và triển khai có hiệu quả các quy định về BHXH, BHYT; nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, đảm bảo tính đúng, tính đủ chế độ BHXH cho người được hưởng; thực hiện chính sách minh bạch, công khai và tăng cường quản lý các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, lạm dụng kỹ thuật cao, thuốc đắt tiền... để đảm bảo tính bền vững của quỹ BHYT; tăng cường quản lý Nhà nước về BHXH, BHYT, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ tiền BHXH, BHYT và các hành vi tiêu cực, gian lận để hưởng chế độ, ngăn chặn tình trạng trục lợi BHXH, BHYT.

K.Thanh