Tăng cường thanh tra mặt hàng rượu trong dịp Tết 2014
Ông Trần Quang Trung |
(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, tại tỉnh Quảng Ninh đã có 6 trường hợp tử vong do uống rượu có hàm lượng methanol cao, khiến người dân hoang mang, lo lắng; đặc biệt là khi nhu cầu mua và sử dụng mặt hàng này trong những ngày giáp Tết gia tăng.
Trước thực trạng đó, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế để đưa ra những khuyến cáo thiết thực của ngành chức năng tới người dân.
P.V: Thời gian qua, tại tỉnh Quảng Ninh đã có 6 trường hợp tử vong do uống rượu. Cục trưởng có thể cho biết những thông tin cụ thể về sự việc này?
Ông Trần Quang Trung: Từ ngày 2 đến 7-12 trên địa bàn thành phố Cẩm Phả và Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã xảy ra rải rác 5 vụ ngộ độc thực phẩm do uống rượu làm 15 người mắc; trong đó, có 6 người tử vong.
Nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc rượu trên được xác định là do sử dụng sản phẩm “Rượu nếp 29 Hà Nội”, loại chai nhựa 2 lít có ngày sản xuất là 12-10-2013 của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội (trụ sở tại 82/310- Nguyễn Văn Cừ, P. Bồ Đề, Q. Long Biên, TP Hà Nội).
Cục An toàn thực phẩm và cơ quan chức năng đã có thông báo khẩn cấp việc thu hồi, xử lý và cảnh báo đối với 3 sản phẩm rượu của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội có hàm lượng methanol cao, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm trong toàn quốc. Đồng thời, yêu cầu cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tiếp tục kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm rượu khác của Công ty này.
Kết quả giám sát phát hiện 3 sản phẩm rượu của Công ty có chứa hàm lượng methanol vượt quá giới hạn cho phép nhiều lần; gồm: Rượu nếp 29 Hà Nội (chai thủy tinh 750ml, ngày sản xuất 12-10-2013); Vodka rượu nếp (chai thủy tinh 700ml, ngày sản xuất 12-10-2013) và Vang nổ đỏ (chai thủy tinh 750ml, ngày sản xuất 12-10-2013).
Về vụ việc này, cơ quan công an đã tiến hành khởi tố và đang điều tra nguyên nhân. Tuy nhiên, qua đây cho thấy do sức ép của thị trường dịp Tết dẫn tới việc những người sản xuất kinh doanh không có lương tâm đã bán ra các sản phẩm không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đây là bài học cảnh báo cho các cơ sở sản xuất.
Methanol là một dạng cồn dùng trong công nghiệp. Chính vì vậy, dù có vì lợi nhuận hay sơ sẩy trong quá trình chế biến mà trộn vào rượu thì đều không được phép. Đến thời điểm này, các sản phẩm rượu trong lô sản xuất ngày 12-10-2013 đã bị đình chỉ lưu hành và thu hồi khẩn cấp.
P.V: Thời gian tới, công tác thanh, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2014; đặc biệt là với mặt hàng rượu trên thị trường sẽ được triển khai như thế nào?
Ông Trần Quang Trung: Hằng năm, trong các dịp lễ, tết, kỳ nghỉ là những thời điểm toàn dân sử dụng thực phẩm tăng cao, bao gồm cả số lượng và chủng loại. Năm nay, chuẩn bị Tết, liên Bộ đã có cuộc họp thành lập 9 đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra tại các địa phương.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong dịp Tết nhất là những mặt hàng trọng điểm như: thịt, rau củ quả, rượu, mứt bánh kẹo; nhất là chống hàng giả, đặc biệt là hàng nhập lậu như gà và nông sản. Riêng Bộ Y tế ngoài việc tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành, trong tháng 12 sẽ có 2 đoàn kiểm tra về thực phẩm chức năng.
Cục An toàn thực phẩm đã giao nhiệm vụ cho các tỉnh từ nay đến quý I năm 2014 rà soát lại toàn bộ hơn 1.700 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng trong cả nước. Riêng về rượu thì đây cũng là thời gian các cơ sở tăng cường sản xuất và kinh doanh mặt hàng này. Mặc dù đã có những cảnh báo nhưng trong quá trình sản xuất đã có không ít các doanh nghiệp không tuân thủ đúng theo quy định.
Chính vì vậy, thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm sẽ tăng cường lấy mẫu kiểm tra chất lượng các sản phẩm rượu trên thị trường và tại các cơ sở sản xuất; ngay trong tuần tới sẽ tiến hành thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra và xử lý quyết liệt các sai phạm. Cuối tháng 12-2013, Nghị định 178 về xử lý vi phạm hành chính sẽ được ban hành với mức phạt xử lý nghiêm minh hơn, xử phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng rượu ngoại. |
P.V: Để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm do sản phẩm rượu gây ra, Cục An toàn thực phẩm có khuyến cáo gì đối với người dân trong việc mua và sử dụng rượu?
Ông Trần Quang Trung: Ngộ độc rượu là hậu quả nhiễm độc nhất thời khi uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể dẫn đến các biểu hiện bất thường của hệ thần kinh và các hành vi không bình thường khác.
Ngộ độc rượu biểu hiện ở các mức độ khác nhau từ nhẹ (không kiềm chế cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng xiêu vẹo) đến nặng (với các biểu hiện: nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, hạ huyết áp có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời). Ngộ độc rượu còn có thể do uống phải rượu giả (rượu có methanol); rượu ngâm với thảo mộc hay động vật có chứa độc tố.
Để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm do rượu, trước hết người dân tuyệt đối không được sử dụng các sản phẩm đã được các cơ quan chức năng thông báo thu hồi do có hàm lượng methanol quá cao. Đặc biệt, không được uống quá nhiều rượu; không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol cao vì sẽ gây mù mắt và tử vong cao.
Người dân không được uống rượu khi không biết đó là rượu gì; rượu không rõ nguồn gốc; khi đang đói, mệt hoặc căng thẳng; không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay những rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Thu Phương
(thực hiện)