Báo Công An Đà Nẵng

Tăng cường ứng dụng hồ sơ bệnh án điện tử: Thuận lợi song hành khó khăn

Thứ năm, 28/03/2019 14:46

Người dân đến bệnh viện khám bệnh không cần mua sổ khám, phiếu chụp phim, X-quang, các kết quả xét nghiệm được lưu trữ suốt đời và có thể sử dụng kết quả khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến y tế… Đó là một số lợi ích mà việc triển khai bệnh án điện tử mang lại cho người bệnh. Bộ Y tế yêu cầu từ tháng 3-2019, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế phải thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử (HSBAĐT). Thế nhưng, nếu việc triển khai này khá thuận lợi với các bệnh viện tuyến trên, thì ngược lại một số bệnh viện tuyến quận, huyện lại đang gặp phải nhiều vướng mắc.

Nhân viên, bác sĩ Bệnh viện Gia đình tiếp nhận, cập nhật thông tin bệnh nhân vào hệ thống quản lý.

Nhiều ưu việt…

Việc mỗi cá nhân có HSBAĐT sẽ giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh tốt hơn, cán bộ y tế thuận tiện trong quản lý hồ sơ. Tại TP Đà Nẵng, nhiều bệnh viện tuyến trên đã triển khai thực hiện HSBAĐT như: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Đa khoa Gia đình, Bệnh viện Hoàn Mỹ… hầu hết các bệnh nhân đều rất hài lòng với những tiện ích mà nó mang lại. HSBAĐT giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh. Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm và dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ và có thể tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. HSBAĐT lưu trữ tiền sử gia đình, tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc đầy đủ... Khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa bệnh viện các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn, tránh được các chỉ định cận lâm sàng (siêu âm, xét nghiệm…) trùng lặp. Từ tiếp nhận thông tin đến chẩn đoán, kê đơn thuốc của bác sĩ đều được số hóa, cập nhật theo quy trình chuẩn. Đặc biệt bệnh án điện tử giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế được minh bạch, dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và làm các xét nghiệm.

Bệnh viện Đa khoa Gia đình là một trong những cơ sở y tế đầu tiên tại Đà Nẵng triển khai ứng dụng HSBAĐT để lưu trữ thông tin sức khỏe của bệnh nhân. Thay cho những cuốn hồ sơ bệnh án dày cộm là chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh chứa toàn bộ thông tin, dữ liệu của bệnh nhân. Bệnh án điện tử được liên thông, kết nối với tất cả các khoa phòng, giúp các bác sĩ dễ dàng trao đổi, hội chẩn, điều chỉnh thuốc... Bác sĩ chuyên khoa 1, Trần Thị Huyền Thanh - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Gia đình chia sẻ: "Việc triển khai bệnh án điện tử đã hỗ trợ tích cực công tác quản lý, tổ chức khám chữa bệnh tại bệnh viện như: quản lý thông tin bệnh nhân, tài liệu lâm sàng, kết quả CLS, quản lý điều trị, thuốc đã kê cho người bệnh… Ngoài ra, HSBAĐT còn giúp quản lý thông tin bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế; quản lý và lưu trữ hồ sơ bệnh án, kết nối với các hệ thống thông tin khác trong bệnh viện. So với bệnh án truyền thống, việc sử dụng HSBAĐT mang lại khá nhiều lợi ích không chỉ đối với việc quản lý bệnh viện, các bác sĩ mà cả chính người bệnh".

Bác sĩ Thanh cho biết thêm, ở giai đoạn 2 của dự án, người bệnh có thể đăng nhập vào ứng dụng di động của bệnh viện bằng chính ID khám bệnh của mình. Từ đó bệnh nhân sẽ tự theo dõi tình trạng sức khoẻ từ điện thoại thông minh. Hiện tại, bệnh nhân có thể liên hệ đến tổng đài của bệnh viện cung cấp ID để bác sĩ đọc và trả kết quả từ xa, đặt lịch hẹn, kiểm tra các lượt khám, xin lại đơn thuốc, đăng kí tham gia các sự kiện của bệnh viện… Mọi thông tin sẽ được lưu trên hồ sơ bệnh án của người bệnh. Do đó, bệnh nhân sẽ chủ động hơn trong việc khám chữa bệnh tại bệnh viện. Việc sử dụng HSBAĐT góp phần giảm các thủ tục hành chính, từ việc tiếp nhận thông tin đến chẩn đoán, kê đơn thuốc của bác sĩ đều được số hóa, cập nhật theo quy trình chuẩn, nhờ đó thủ tục khám, chữa bệnh và thanh toán cũng nhanh hơn trước, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh và người thân. Bệnh nhân Hoàng Quốc Thanh (trú Q. Hải Châu) cho hay: "Toàn bộ các lần thăm khám trước của tôi đều được lưu trữ và trích xuất dễ dàng nhờ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử. Khi áp dụng HSBAĐT, các bác sĩ gần như dành hết thời gian để khám bệnh và tư vấn cho bệnh nhân nên chúng tôi rất hài lòng".

Người bệnh khá hài lòng với HSBAĐT.

... nhưng vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc dù có nhiều tính ưu việt song việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), lập HSBAĐT mới chỉ được triển khai bước đầu tại một số bệnh viện lớn, với phần mềm quản lý dữ liệu riêng. Song, đa phần tại các cơ sở y tế, nhất là bệnh viện tuyến quận, huyện vẫn quản lý theo kiểu thủ công, lưu trữ bệnh án giấy và người bệnh đến khám đều phải mua sổ khám bệnh. Quy định về việc thực hiện HSBAĐT được xem là hướng đi cần thiết và có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao khả năng chăm sóc sức khỏe cho người dân và việc tương tác, trao đổi thông tin, phối hợp giữa các bệnh viện. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Sơn, quyền Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ Trung tâm Y tế H. Hòa Vang, Thông tư 46 mới chỉ là cơ sở pháp lý để các bệnh viện bắt tay thực hiện, còn việc triển khai ra sao, thực hiện như thế nào thì vẫn chưa được hướng dẫn. Hiện tại Trung tâm Y tế huyện đã thực hiện quản lý toàn diện công tác khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế bằng CNTT, nâng cao quản lý về chuyên môn ngành, đáp ứng các công tác quản lý y tế như: nội trú, ngoại trú, BHXH, cận lâm sàng, dược… Riêng đối với HSBAĐT thì cần phải có lộ trình dài hơi để thực hiện. Ở bệnh viện hiện nay, nhiều trường hợp điều trị dài ngày, bệnh án giấy dày nhiều tập, việc lưu trữ là không hề đơn giản. Chưa kể, yếu tố quan trọng để thực hiện bệnh án điện tử là chữ ký điện tử của bác sĩ vẫn chưa được công nhận mà chỉ căn cứ vào chữ ký trên giấy của bác sĩ điều trị… Trên thực tế, nếu chuyển sang bệnh án điện tử sẽ dễ quản lý, theo dõi hơn nhưng với những bệnh viện tuyến quận, huyện, việc triển khai cần có lộ trình và kinh phí để đầu tư phần mềm quản lý dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực...

Theo Bộ Y tế, mặc dù trong giai đoạn đầu hiện nay, việc lập HSBAĐT còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng vẫn phải quyết tâm triển khai thực hiện nhằm mang lại thuận lợi nhất cho người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh. Việc áp dụng HSBAĐT không đơn giản mà đòi hỏi có thời gian và sự đầu tư thích đáng, nên để các cơ sở khám chữa bệnh chủ động, Bộ Y tế đã chia thành từng giai đoạn thực hiện. Theo đó, từ năm 2019 - 2023, các cơ sở khám, chữa bệnh hạng 1 trở lên chủ động nâng cấp hệ thống CNTT tại cơ sở để triển khai HSBAĐT. Các cơ sở khám, chữa bệnh khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai HSBAĐT. Giai đoạn từ năm 2024-2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai HSBAĐT. Việc triển khai HSBAĐT phải được hoàn thành trước ngày 31-12-2030.

THANH HOA