Báo Công An Đà Nẵng

Tăng giá dịch vụ y tế, chất lượng có tăng?

Thứ bảy, 29/12/2018 11:15

Thông tư 39 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) chính thức triển khai trên toàn quốc từ ngày 15-12- 2018, theo hướng tăng. Sau hơn 10 ngày thực hiện, điều mà người dân quan tâm, đó là giá dịch vụ y tế tăng, nhưng chất lượng KCB có tăng?

Trung tâm Y tế quận Hải Châu triển khai nhiều giải pháp rút ngắn thời gian phải chờ đợi của người bệnh.  Ảnh: H.NHẬT

Hơn 1.900 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá

Thông tư 39 vừa được Bộ Y tế ban hành tháng 11, quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp. Thông tư này thay thế cho Thông tư số 15 ngày 30-5-2018. Theo đó, hơn 1.900 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh giá. Cụ thể như tiền khám bệnh tại các tuyến sẽ tăng khoảng 10%, dao động từ 26.000 đồng đến 37.000 đồng/lượt khám. Thông tư 39 có nhiều điểm mới như: trường hợp người bệnh vào viện và ra viện có thời gian điều trị từ 4 giờ trở xuống thì được thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc, vật tư y tế và các dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh đã sử dụng, không được tính tiền giường điều trị nội trú; yêu cầu các cơ sở y tế phải điều phối, bố trí nhân lực, số bàn khám phải bảo đảm chất lượng khám bệnh; chỉ trong trường hợp quá tải, cơ sở y tế mới được kê thêm giường bệnh ngoài số giường theo kế hoạch được giao để phục vụ người bệnh và được tổng hợp để thanh toán với cơ quan bảo hiểm... Kỳ vọng của Ngành y tế là việc điều chỉnh giá tại Thông tư 39, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người tham gia BHYT, nhưng sẽ nâng cao chất lượng KCB; đặc biệt, các đối tượng tham gia BHYT được chi trả 100%, ví dụ như trẻ dưới 6 tuổi, người già trên 80 tuổi và nhóm các đối tượng không đồng chi trả,thì không bị ảnh hưởng gì, mà còn được hưởng lợi từ chất lượng dịch vụ y tế sẽ được nâng cao.

Chất lượng các dịch vụ y tế có được nâng cao?

Có thể nói, đến thời điểm này, tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn Đà Nẵng đã thực hiện việc điều chỉnh giá theo Thông tư 39 đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày thực hiện, đa số ý kiến của người bệnh đều cho rằng có thể chấp nhận giá các dịch vụ tăng, nhưng điều mà người dân quan tâm hơn cả cần đồng hành với việc tăng giá dịch vụ y tế, phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng phục vụ bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân đã so sánh, lâu nay, nhiều người bệnh vẫn chấp hành KCB tại các bệnh viện tư nhân, với giá chênh lệch dịch vụ y tế tăng hơn so với chi phí BHYT, để được chăm sóc, phục vụ chu đáo hơn.

Ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn TP Đà Nẵng: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản Nhi, Bệnh viện Y học cổ truyền TP, Trung tâm Y tế quận Hải Châu... đều đã triển khai công khai nội dung Thông tư 39 đến người bệnh như dán thông báo tại các khu khám bệnh, khu vực công cộng, cầu thang của các tầng; đưa lên trang web của các bệnh viện, thông báo trên hệ thống màn hình ở tất cả các khoa, phòng... Đồng thời với triển khai thực hiện giá dịch vụ y tế mới, các bệnh viện cũng đã triển khai hàng loạt giải pháp nâng cao chất lượng KCB như cải tiến quy trình khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi, giảm quá tải bệnh viện, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, tăng mức độ hài lòng của bệnh nhân.

Thông tư 39 đưa vào định mức rất rõ ràng, như 1 bàn khám chỉ khám 65 bệnh/ngày; nếu trên 65 bệnh thì phải trả thêm phần trăm, vì thế một số bệnh viện đã bổ sung thêm bàn khám và như vậy, sẽ giảm thời gian phải chờ đợi của bệnh nhân, nâng cao chất lượng KCB. Nhiều bệnh viện cũng đang xây dựng các phương án đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại, để phục vụ bệnh nhân tốt hơn, như Bệnh viện Đà Nẵng đã đưa vào hoạt động của Trung tâm Tim Mạch mới, giãn số lượng bệnh và sẽ tiếp tục triển khai xây dựng Trung tâm Phẫu thuật chấn thương thần kinh, bỏng tạo hình, dần dần người bệnh sẽ được thụ hưởng cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật... tốt hơn.

HỒNG NHẬT