Báo Công An Đà Nẵng

Tăng học phí bậc đại học

Thứ năm, 12/05/2022 13:05
Thực tế hiện nay, nhiều sinh viên phải đi làm thêm để có tiền trang trải học phí và các khoản sinh hoạt.
Trong ảnh: Sinh viên đăng ký tuyển dụng làm bán thời gian.

Theo Nghị định 81, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (chưa tự chủ) được áp dụng theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo.

Cụ thể, từ năm học 2022 - 2023, mức trần học phí khối ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng). Khối ngành Nghệ thuật là 12 triệu đồng/năm (tăng 0,3 triệu đồng). Khối ngành Kinh doanh và quản lý, pháp luật là 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng). Khối ngành Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên là 13,5 triệu đồng/năm (tăng 0,8 triệu đồng); khối ngành Toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật là 14,5 triệu đồng/năm (tăng 2,8 triệu đồng). Khối ngành Y Dược có mức là 24,5 triệu đồng/năm (tăng 10,2 triệu đồng); các khối ngành sức khỏe khác là 18,5 triệu đồng/năm (tăng 4,2 triệu đồng). Khối ngành Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội có mức 12 triệu đồng/năm (tăng 2,2 triệu đồng)...

Như vậy, so với năm học 2021 - 2022, mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ tăng từ 0,3-10,2 triệu đồng/năm, tùy từng khối ngành. Trong đó, tăng nhiều nhất là khối ngành Y Dược và các khối ngành sức khỏe khác với mức tăng từ 4,2 - 10,2 triệu đồng/năm.

Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí với các cơ sở chưa tự chủ, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.

Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (tự chủ hoàn toàn), mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí với trường chưa tự chủ.

Cùng với đó, mức trần học phí đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở giáo dục đại học công lập được xác định cao hơn từ 1,5-2,5 lần so với học phí đại học, tương ứng với từng khối ngành đào tạo của từng năm học theo các mức độ tự chủ.

Nghị định 81 cũng quy định, cơ sở giáo dục đại học trước khi tuyển sinh hoặc xét tuyển phải công bố công khai mức thu học phí, chi phí đào tạo cho từng năm học, lộ trình tăng học phí (nếu có) và dự kiến cho cả khóa học. Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, giải trình về các mức thu này; công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định; công khai chính sách miễn, giảm học phí và mức thu, miễn giảm học phí trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng.

Đến thời điểm này, trong đề án tuyển sinh năm học 2022 - 2023, nhiều trường đại học từ công lập chưa tự chủ, công lập tự chủ đến các trường đại học tư đều có điều chỉnh theo hướng tăng học phí.

Cụ thể, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến mức thu cho năm học 2022-2023 là 42 triệu đồng, năm học 2023-2024 là 44 triệu đồng, năm học 2024-2025 là 46 triệu đồng và năm học 2025-2026 là 48 triệu đồng. Như vậy, chỉ tính riêng học phí năm học 2022-2023 khi so sánh với mức 35 triệu đồng năm học 2021-2022, học phí của trường đã tăng thêm 24,5%.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền đưa ra dự kiến mức học phí năm học 2022-2023 các ngành hệ đại trà tăng từ 276.000 đồng/tín chỉ lên 440.559 đồng/tín chỉ (chương trình toàn khóa gồm143 tín chỉ); hệ chất lượng cao tăng từ 771.200 đồng/tín chỉ lên 1.321.677 đồng/tín chỉ. Lộ trình tăng học phí cho từng năm là tối đa 10%.Các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị được miễn học phí.

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có học phí dự kiến cao nhất vào khoảng 44,5 triệu đồng đối với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. So sánh với mức học phí là 32 triệu đồng/năm 2021, mức tăng này đã đạt đến 40%.

Thực tế hiện nay, nhiều sinh viên phải đi làm thêm để có tiền trang trải học phí và các khoản sinh hoạt khi sống xa nhà vì số tiền gia đình chu cấp là không đủ. Tuy nhiên, việc đi làm thêm quá tải cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thời gian học tập. Nhiều trường đại học và phụ huynh, sinh viên kiến nghị cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên, đồng thời, điều chỉnh mức lãi suất phù hợp hơn. Lãi suất cho vay áp dụng tại thời điểm năm 2021 là 6,6%. Đây là mức lãi suất khá cao cho đối tượng ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Theo đó, mức cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên. So với mức cũ, mức cho vay tối đa tăng thêm 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên. Mức vay này được áp dụng đối với các khoản giải ngân mới từ ngày 19-5-2022.

Đối tượng được vay vốn đã mở rộng hơn, gồm học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật. Về trả nợ gốc và lãi tiền vay, kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khoá học 12 tháng theo quy định, đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. Đối tượng được vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn. Mức vay vốn tối đa được điều chỉnh để phù hợp với lộ trình tăng học phí, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên trang trải chi phí học tập, qua đó, góp phần ổn định đời sống, tư tưởng cho hộ gia đình và học sinh, sinh viên.

VIỆT HÀ