Báo Công An Đà Nẵng

Tăng học phí Đại học - cần lộ trình phù hợp

Thứ bảy, 20/06/2020 18:00

Vừa qua, nhiều trường ĐH công lập công bố đề án tuyển sinh cùng với mức học phí dự kiến trong năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo. Hầu hết mức học phí các trường đều được điều chỉnh theo hướng tăng mạnh khiến nhiều sinh viên cũng như các thí sinh, phụ huynh có con em chuẩn bị thi vào các trường ĐH lo lắng.

Mức tăng gấp 2-5 lần

Một giờ học ngoại ngữ của sinh viên.

Mới đây, thông tin học phí ở nhiều trường đào tạo nhóm ngành sức khỏe, y dược tăng cao thu hút sự quan tâm của dư luận. Với mức phí cao nhất lên đến 70 triệu đồng/năm, áp dụng cho tất cả các ngành, Đề án tăng học phí của trường Đại học Y dược TPHCM đã thu hút sự quan tâm lớn từ những sinh viên đang theo học tại trường và cả những học sinh đang có dự định thi vào đây.

Cụ thể, theo Đề án, ngành răng hàm mặt có mức học phí mỗi năm học là 70 triệu đồng, ngành y khoa là 68 triệu đồng, ngành kỹ thuật phục hình răng là 55 triệu đồng, ngành dược học là 50 triệu đồng. Các ngành cùng có mức học phí 40 triệu đồng/năm học là: Điều dưỡng, điều dưỡng chuyên ngành hộ sinh, điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng. Hai ngành cùng có mức học phí 38 triệu đồng/năm học là y học dự phòng và y học cổ truyền. Ngành y tế công cộng và dinh dưỡng có học phí 30 triệu đồng/năm học. Ngoài ra, mức học phí các năm tiếp theo tại Đại học Y dược TPHCM dự kiến mỗi năm tăng thêm 10%.

Chia sẻ về vấn đề này, bạn Thu Yến, sinh viên ngành y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TPHCM cho biết, mức học phí được điều chỉnh là vấn đề nan giải đối với một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hiện, ngành của Thu Yến đang theo học có mức học phí là 13 triệu đồng/năm học, trong khi đối với tân sinh viên ngành này, mức phí mới lên đến 30 triệu đồng/năm học. Là học sinh có niềm đam mê với ngành Y nhưng vì gia đình khó khăn nên bạn Thanh Nhàn vẫn đắn đo trong việc dự thi vào Trường Đại học Y dược TPHCM. Nhàn còn e ngại khi chi phí tiền học và sinh hoạt trong 4 năm học ĐH vượt quá khả năng chi trả của bố mẹ em. Vì mức học phí tăng cao, em chia sẻ rằng có thể sẽ chuyển hướng sang học nghề để phù hợp với điều kiện gia đình.

Nêu quan điểm về việc học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ không kham nổi học phí khi học tại trường, PGS, TS Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Y Dược TPHCM  khẳng định, không bao giờ để một em sinh viên nghèo học giỏi vì mức học phí cao mà không thể học tại Trường.  Trong năm học 2020-2021, Trường Đại học Y dược TPHCM  sẽ dành 800 suất học bổng với tổng trị giá hơn 15,4 tỷ đồng và sẽ có gần 37% sinh viên trúng tuyển vào Trường năm 2020 được nhận học bổng.Nhằm đảm bảo tính công bằng cho người học, đặc biệt với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, Trường còn xây dựng chính sách học bổng, trong tổng số 2.100 chỉ tiêu Đại học năm nay…

Cần lộ trình phù hợp

Trước những băn khoăn về mức học phí của nhiều trường, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, Nghị định 86/2015 quy định mức thu học phí, dịch vụ tuyển sinh, các khoản dịch vụ khác. Đối với các trường Đại học thực hiện thí điểm tự chủ, Nhà nước sẽ quy định mức học phí cho mỗi trường.

PGS, TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội nhận định, khi Nhà nước không cấp chi thường xuyên thì học phí cũng sẽ phải bù vào một phần. Vì vậy, tăng học phí là không tránh khỏi nhưng cần có lộ trình và phù hợp với khả năng chi trả, tiếp cận của người học ở các vùng khác nhau. Theo lãnh đạo các trường ĐH, sinh viên khi học ở những trường danh tiếng thì cơ hội việc làm sẽ tốt hơn. Học phí mà sinh viên đóng hiện nay chưa phải là toàn bộ chi phí đào tạo mà chỉ là phần lớn, phần còn lại vẫn được đầu tư từ các nguồn khác. Phản hồi việc này, Bộ GD-ĐT cho rằng, về mặt nguyên tắc, với trường học tự chủ tài chính, khi xây dựng học phí thì phải căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật. Trường học phải chứng minh chi phí bỏ ra, mức thu bao nhiêu nhằm bù lại chi phí bỏ ra.

Tăng học phí là điều không thể tránh khỏi khi các trường ĐH áp dụng cơ chế tự chủ. Tuy nhiên, đây chưa phải là điều kiện tiên quyết để quyết định chất lượng đào tạo. Vì thế, song song với tăng học phí, các trường cần sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao trách nhiệm xã hội để đảm bảo chất lượng đào tạo và khả năng tiếp cận đại học của người học.

P.V