Báo Công An Đà Nẵng

Tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính của chính quyền địa phương

Thứ sáu, 15/12/2017 13:31

Chiều 14-12, tại Đà Nẵng, Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức Hội thảo kỹ thuật về khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính của chính quyền địa phương.

Đà Nẵng là địa phương huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cho các dự án hạ tầng cơ sở. Cầu Nguyễn Tri Phương được đầu tư từ vốn Ngân hàng Thế giới.

Theo AFD, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển rất nhanh trong những thập niên vừa qua với mức tăng GDP cao, GDP bình quân đầu người tăng từ 130 USD năm 1990 lên 2.050 USD vào năm 2016; dân số tăng nhanh, đặc biệt là khu vực đô thị. Do vậy, nhu cầu về hạ tầng thiết yếu (như đường, điện, nước, thông tin, vệ sinh môi trường,...) rất lớn. Trong khi đó, khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính của chính quyền địa phương đóng vai trò then chốt để phát triển còn hạn chế. 

Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho hay, Việt Nam đã và đang thực hiện tiến trình phân cấp ngân sách giữa Trung ương và địa phương. Chính quyền địa phương đang quản lý hơn 50% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên trên góc độ thu ngân sách, chính quyền địa phương được giao tự chủ ở mức độ rất thấp. Trong khi đó, nguồn thu ở địa phương chủ yếu đến từ tiền sử dụng đất, và các khoản thu liên quan đến đất đai nhưng tỷ lệ thấp chỉ đáp ứng được khoảng 12 – 16% chi ngân sách địa phương. Đồng thời, số thu này không ổn định qua từng năm do phụ thuộc vào giá đất và diện tích đất có thể bán và chuyển nhượng.

Hiện nay, một số nguồn lực tài chính mà chính quyền các địa phương có thể tiếp cận như: phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các ngân hàng thương mại, tạm ứng vốn từ kho bạc nhà nước, Quỹ đầu tư phát triển địa phương, huy động vốn đầu tư của khu vực tư nhân... Tuy nhiên nhiều vướng mắc vấp phải được các đại biểu đặt ra như: năng lực trả nợ của ngân sách địa phương rất hạn chế, ngân hàng chưa có kinh nghiệm cho vay trực tiếp cho chính quyền địa phương, chỉ có một số ít địa phương phát triển có thể phát hành trái phiếu...

Cũng theo ông Hải, chính quyền địa phương có thể tăng nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng 100% bằng cách tăng các loại phí và tăng mức thu các khoản liên quan đến đất đai; tăng cường tính tự chủ trong định giá, phí sử dụng dịch vụ công, các khoản từ đất đai để tăng thu ngân sách hoặc đánh thuế trên tài sản sở hữu.

Đại diện các chuyên gia tài chính đều cho rằng, địa phương thành lập quỹ đầu tư phát triển nhằm huy động vốn trung, dài hạn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đầu tư trực tiếp vào các dự án; cho vay đầu tư; góp vốn thành lập doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; ủy thác cho vay đầu tư, thu hồi nợ; nhận ủy thác quản lý nguồn vốn đầu tư, cho vay đầu tư, thu hồi nợ, cấp phát vốn đầu tư, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn cho ngân sách địa phương nhưng thực tế lại gặp rất nhiều khó khăn do vướng cơ chế từ Bộ Tài chính.

Bà Đặng Thị Mỹ Hảo, Phó Trưởng phòng Kinh tế tổng hợp, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho rằng, một thực trạng tại Đà Nẵng hiện nay là các Quỹ tồn két nhiều nhưng không thể giải ngân được do quy định quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của Chính phủ và Bộ, ngành. Bà Hảo dẫn chứng tại Quỹ Đầu tư Phát triển Đà Nẵng còn tồn quỹ hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách cấp, vốn đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp nhưng không thể đưa ra đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn thành phố (vướng Nghị định 138/NĐ-CP của Chính phủ), buộc thành phố phải đi xin phát hành trái phiếu, trả lãi suất cao để chi trả cho các công trình trọng điểm trên địa bàn. Do đó, bà Hảo đề nghị cần sớm tháo gỡ nút thắt này giúp cho Quỹ đầu tư phát triển hoạt động có hiệu quả.

Vấn đề này, chuyên gia tư vấn tài chính Nguyễn Thị Thanh Hà cho rằng, sẽ tập hợp để có ý kiến Bộ Tài chính. Theo bà Hà, các Quỹ đầu tư phát triển địa phương cũng cần được nâng cao năng lực, xác định rõ chiến lược của Quỹ để các Quỹ có thể phát triển một cách độc lập. Cũng theo bà Hà, chính quyền địa phương cần xem lại các khoản thu để lại 100% cho ngân sách; giảm một phần chi thường xuyên để có nguồn lực chi đầu tư; phát hành trái phiếu và vay trực tiếp từ ngân hàng thương mại; tạm ứng nguồn vốn từ kho bạc Nhà nước...

Để tăng thêm nguồn lực cho địa phương, ông Louis Antoine, Quản lý cao cấp AFD đề nghị các địa phương cần cải thiện vấn đề trên như: công bố công khai quy hoạch sử dụng đất nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, chính quyền địa phương cần chuẩn bị tốt hồ sơ dự án để được cấp phát từ ngân sách trung ương, tăng cường sự phối hợp giữa kế hoạch quản lý nợ trung hạn, kế hoạch đầu tư công và chính sách tài khóa...

X.ĐƯƠNG

----------------------------------------------------------------------------------------------

AFD là tổ chức nhà nước của Pháp có mặt tại 108 nước trên thế giới, hoạt động vì sự phát triển bền vững, thường xuyên tham gia vào các dự án cải thiện đời sống hàng ngày của người dân ở các nước đang phát triển. Tài trợ vốn trong các lĩnh vực năng lượng, y tế, đa dạng hệ sinh thái, cấp thoát nước, kỹ thuật số và đào tạo với mục tiêu phát triển bền vững. Hiện tại AFD đang tài trợ và theo dõi hơn 2.500 dự án phát triển. Tại Việt Nam AFD đã tài trợ hơn 1,7 tỷ Eur, chủ yếu các dự án giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ khu vực sản xuất nâng cao hiệu quả, xử lý vấn đề môi trường và xã hội, các chương trình khuyến khích phát triển đô thị thân thiện với môi trường.

----------------------------------------------------------------------------------------------