Báo Công An Đà Nẵng

Tầng lớp “Phú Nhị Đại” Trung Quốc: Không chỉ “đốt tiền qua cửa sổ”

Thứ tư, 01/06/2016 08:53

(Cadn.com.vn) - Thế hệ tiếp theo của giới siêu giàu Trung Quốc đang cải tạo hình ảnh nông cạn và luôn vấp phải nhiều chỉ trích của họ để tự rơi vào “cái bẫy” tình yêu với nghệ thuật.

Tại Trung Quốc hiện nay, bất động sản hay chứng khoán không phải là những kênh đầu tư được giới siêu giàu Trung Quốc ưa chuộng nhiều nữa. Thay vào đó, những vị đại gia này lại thích đầu cơ vào các tác phẩm nghệ thuật cổ đắt giá.

Khi mới 26 tuổi, Lin Han đã dành 1 triệu USD để mua một bức tranh của họa sĩ Zeng Fanzhi. 4 năm sau, Lin trở thành chủ Bảo tàng nghệ thuật M Woods có trụ sở tại Bắc Kinh. Bảo tàng của Lin trưng bày đa dạng các tác phẩm nghệ thuật từ một bức tranh sơn dầu của họa sĩ người Italia Giorgio Morandi cho đến những mẫu thiết kế của nghệ sĩ Thụy Điển Olafur Eliasson, bức tượng điêu khắc về triều đại nhà Đường (618-907 TCN) và một đoạn băng thực hiện tại Bắc Cực của nghệ sĩ người Hà Lan Guido van der Werve.

Trên con đường kinh doanh khá suôn sẻ, doanh nhân trẻ Lin đã tái đầu tư lợi nhuận từ công việc kinh doanh vào chứng khoán và bất động sản. Thế nhưng, Lin lại không cảm thấy hứng thú, thay vào đó anh lại có niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật. Trong những năm qua, Lin mua lại hơn 200 tác phẩm nghệ thuật. Và anh thường dành 3 triệu USD/năm để sưu tầm tác phẩm nghệ thuật nhưng số tiền thực tế luôn vượt xa con số dự tính.

Giới trẻ thuộc nhà siêu giàu ở Trung Quốc quan tâm một cuộc triển lãm nghệ thuật. Ảnh: Getty Images

Phú Nhị Đại...

Anh Lin Han là một trong số những quý tộc thuộc thế hệ giàu có thứ 2 tại Trung Quốc thường được gọi là “Fu er dai”, tức “Phú Nhị Đại”. Những đối tượng này xuất thân từ gia đình doanh nhân giàu có hoặc những quan chức trong chính phủ Trung Quốc.

Với cách ăn chơi ngông cuồng, “Phú Nhị Đại” nhanh chóng trở thành hiện tượng lan truyền trên báo chí, mạng xã hội. Một vài người trong tầng lớp đó thường đầu tư vào hình thức tài sản sở hữu để thể hiện hình ảnh giàu có của mình, trong khi những người khác được giáo dục tốt hơn thì tìm cho mình một đam mê, đặc biệt là nghệ thuật, và quyết tâm theo đuổi nó. Tính đến cuối năm nay, Trung Quốc này sẽ có 1,12 triệu người giàu với số tài sản ít nhất 10 triệu nhân dân tệ (1,5 triệu USD)/người, theo Cty quản lý tài sản Fu Hua.

...và tình yêu nghệ thuật

Cũng như Lin, nhiều “Phú Nhị Đại” đang chuyển hướng đam mê sang lĩnh vực nghệ thuật. Trong khoảng thời gian gần đây, thị trường nghệ thuật ở Trung Quốc bùng nổ mạnh mẽ. Ông Rebecca Wei, Chủ tịch Christies ở Châu Á cho biết, có một số lý do lý giải về số lượng nhà sưu tầm nghệ thuật gia tăng trong năm nay. Trước hết, ngày càng nhiều người dân Trung Quốc đi du lịch ở nước ngoài vì thế họ có thể mở rộng tầm mắt về mọi lĩnh vực, bao gồm nghệ thuật. Thứ hai, những nhà sưu tập thường mua những gì họ thích chứ không phải mua để đầu tư. Và cuối cùng là lĩnh vực nghệ thuật đang phát triển mạnh mẽ khi vô số phòng trưng bày, nhà đấu giá và tổ chức nghệ thuật mọc lên ở Hồng Kông và Trung Quốc.

Không giống như các nhà sưu tầm “đứng tuổi” có sở thích mua đồ cổ của Trung Quốc, giới trẻ không ngần ngại đi ra nước ngoài để tìm mua những món đồ yêu thích. Kết quả là ngày càng nhiều tác phẩm nghệ thuật hiện đại và đương đại của các nghệ sĩ phương Tây hiện diện tại thị trường nghệ thuật Trung Quốc. Theo báo cáo của Hội chợ Nghệ thuật Châu Âu (TEFAF), thị trường các tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc đạt doanh số bán hàng là 11,6 tỷ USD. Mặc dù con số này thấp hơn 23% so với năm 2014 do suy thoái kinh tế, nhưng doanh thu từ thị trường này vẫn chiếm 19% trong tổng số trên thế giới, chỉ sau Anh và Mỹ.

Nền kinh tế ở Trung Quốc đang có nhiều biến động, khiến nhiều nhà đầu tư cổ phiếu bất an, nhưng cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến những nhà đam mê nghệ thuật Trung Quốc khi giao dịch trên thị trường này vẫn đang dần nóng lên.

Tuệ Khanh
(Theo BBC)