Tăng mức xử phạt với hành vi gây ô nhiễm môi trường
(Cadn.com.vn) - Từ ngày 1-2, theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP (Nghị định 155) quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức phạt tiền sẽ tăng lên gấp nhiều lần đối với các hành vi đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định, vứt tàn, mẩu thuốc lá bừa bãi, vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị…
Nhiều người dân vẫn ngang nhiên xả rác ra đường gây ô nhiễm môi trường. |
Cơ chế cần đi đôi với hành động
Trước đây, các mức phạt đối với hành vi vứt rác thải nơi công cộng, tiểu tiện bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường... đã được quy định tại Nghị định 179/2013. Thế nhưng, trên thực tế nhiều người dân thiếu ý thức vẫn vứt rác thải nơi công cộng mà không bị xử phạt... Theo Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, đơn vị đã triển khai xử phạt về hành vi gây ô nhiễm môi trường theo Nghị định 155 và sẽ tổ chức, tăng cường thanh tra, kiểm tra. Quy định này có tác dụng góp phần giữ gìn đường phố sạch đẹp, bảo vệ môi trường…Việc quy định mức phạt như Nghị định 155 hy vọng sẽ giúp giải quyết được tình trạng xả rác nơi công cộng. Bên cạnh việc tuyên truyền người dân không vứt rác tùy tiện thì khâu thực thi pháp luật phải được chú trọng hơn nữa. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người cho rằng, việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi vứt rác bừa bãi, không bảo vệ môi trường nơi công cộng là cần thiết, đó cũng là một cách để nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Việc hút thuốc và bỏ tàn lung tung hoặc đi tiểu tiện ở những nơi công cộng gây ảnh hưởng đến môi trường và những người xung quanh là rất phổ biến. Nhiều người dân rất bức xúc khi chứng kiến những hình ảnh phản cảm này. Nếu xử phạt nghiêm theo Nghị định 155 thì sẽ có tính răn đe, có thể sẽ xóa bỏ được các vấn nạn nêu trên.
Còn nhiều băn khoăn sau Nghị định 155
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều ý kiến băn khoăn về Nghị định này. Nhiều người cho rằng, mức phạt hàng triệu đồng đối với các hành vi tiểu tiện, vứt rác nơi công cộng…là quá cao so với mức thu nhập của nhiều người dân hiện nay, những người có thu nhập thấp sẽ không có khả năng nộp phạt nếu vi phạm. Cũng cần nói thêm, cơ sở hạ tầng, nhà vệ sinh công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu vệ sinh cá nhân của người dân. Anh Trần Quang Vỹ (lái xe taxi) cho rằng, hệ thống vệ sinh công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhiều khi “bí” trên đường mà không có nhà vệ sinh thì phải… “liều” thôi. Thực trạng thiếu hụt nhà vệ sinh công cộng đang là vấn đề cần quan tâm của các địa phương. Chưa kể, những nhà vệ sinh cũ kỹ, xuống cấp, mất vệ sinh khiến người dân không muốn sử dụng. Do vậy, để giải quyết đến cùng vấn đề thì phía chính quyền cũng cần tăng cường lắp đặt thêm các nhà vệ sinh công cộng để phục vụ nhân dân. Nếu vẫn có người vi phạm thì việc phạt nặng sẽ thuyết phục hơn. Ngoài biện pháp phạt tiền, cần tính đến những biện pháp khác như buộc người vi phạm phải thực hiện lao động công ích, dọn vệ sinh, thực hiện việc khắc phục hành vi xả rác thải ra môi trường... nếu không có khả năng đóng tiền phạt.
Trong những năm qua, với những cách làm đổi mới, sáng tạo, Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành “Thành phố môi trường” vào năm 2020. Cùng với chủ trương và hành động của thành phố thì vấn đề ý thức bảo vệ môi trường của người dân cần được nâng cao. Hiện nay khi nghị định 155 có hiệu lực, các quận, huyện ở Đà Nẵng vẫn chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân. Tại Đà Nẵng nhiều nhà vệ sinh công cộng miễn phí được đưa vào sử dụng đã góp phần giảm hẳn tình trạng đại tiểu tiện nơi công cộng. Ở những nơi đông người, cần đặt thêm thùng rác và thường xuyên lấy rác vào thời điểm quy định để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân góp phần làm đẹp mỹ quan đô thị, xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp…
Thanh Hoa