Báo Công An Đà Nẵng

Tạo bệ phóng thoát đáy khủng hoảng

Thứ tư, 01/01/2014 16:11

(Cadn.com.vn) - Ông Adam Bury, Phó Giám đốc Thị trường vốn của Cty Tư vấn đầu tư CBRE đến Đà Nẵng giữa tháng 11-2013, và ngay lập tức thấy hài lòng khi di chuyển từ sân bay về văn phòng tại tòa nhà Indochina Tower chỉ mất đúng 10 phút. Đó là điều hiếm có, và duy nhất Đà Nẵng được ưu thế đó.

Ông Adam còn kinh ngạc khi nhận thấy hàng loạt chuyên cơ tư nhân của các tỷ phú đậu ở sân bay và nhiều nhân vật VIP cùng tụ họp tại Đà Nẵng để dự cuộc họp về đầu tư tài chính. Ông khẳng định: “Thành phố của các bạn đã tiến một bước dài về thương hiệu du lịch công vụ  (MICE)”. Là một chuyên gia chuyên nghiên cứu và tư vấn về đầu tư, ông Adam nói chắc chắn, CBRE luôn khẳng định với các đối tác tư vấn về một vùng đầu tư tiềm năng mang cái tên mới: Đà Nẵng.

 

Tôi còn nhớ cách đây 5 năm, một nhà đầu tư tiên phong, ông Nguyễn Vọng, Giám đốc Khu du lịch Biển Đông ở bán đảo Sơn Trà từng tâm sự “tôi sẵn sàng trả thật nhiều tiền cho ai có ý tưởng lạ để kéo khách đến đây vào mùa đông”. Ông cũng nói thêm về những nhà nghiên cứu kinh tế du lịch đã đưa ra rất nhiều lý thuyết phát triển du lịch vùng. Nhưng cái chúng tôi cần là các tư vấn nhiều kinh nghiệm thực tế.

Tại sao nhà đầu tư này lo lắng?  Khi mùa hè kết thúc, các khu du lịch biển Huế-Đà Nẵng - Hội An vắng vẻ, công suất phòng chỉ khoảng 15-20%. Bây giờ những con số đáng ngạc nhiên đã đến từ phân khúc du lịch hạng sang ven biển. Sự kiện hội nghị đầu tư tài chính của Ngân hàng HSBC chọn Đà Nẵng làm nơi tổ chức đã chứng tỏ nơi này là một thành phố đủ sức phục vụ các hội nghị quốc tế.

Địa điểm được lựa chọn tổ chức hội nghị là InterContinental resort tại khu vực bán đảo Sơn Trà với 4 ngày đêm phục vụ  hơn 100 khách VIP hàng đầu  thế giới tài chính, chính khách và các nhà báo quốc tế. Đây là dấu son cho du lịch của Đà Nẵng, đã tạo ra thương hiệu MICE trong mắt các nhà tổ chức sự kiện quốc tế.

Sự thành công của các dự án du lịch 4-5 sao ven biển Đà Nẵng thể hiện trong con số tăng trưởng rất mạnh về doanh thu trong 2 năm liền. Trung bình giá phòng khách sạn 4-5 sao ven biển Đà Nẵng cao hơn  cả Hà Nội và TPHCM, công suất phòng luôn đạt con số lý tưởng 70-80%, kể cả mùa thấp điểm. Mức tăng trưởng mỗi năm của khu vực này đạt 3,6%, một kết quả bất ngờ trong mắt các nhà đầu tư bi quan, hẳn phải hối tiếc  đã sai lầm khi giãn tiến độ đầu tư, “đắp chiếu” một số dự án ven biển.

 

Trong câu chuyện mới đây với Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, vị chuyên gia đầu ngành nghiên cứu kinh tế thị trường  đã nhận định Đà Nẵng là một điểm son về phát triển bền vững và trước mắt các bạn là những cơ hội lớn.

Vẫn không thể bỏ qua câu chuyện “chỉ dựa vào bán đất”, ông bảo: Tôi chẳng nói lấy lòng các vị đâu, nhưng Đà Nẵng là hiện tượng làm cho tôi hứng thú theo dõi và nghiên cứu những bước đi của một địa phương ở xa các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực mà có những nỗ lực và tính toán bước đi đáng nể. Thành phố đã chớp được cơ hội vàng trong mấy năm trước để tích lũy các nguồn thu đầu tư vào hạ tầng tốt, và nay là lúc phát huy hạ tầng đã hoàn thiện vào phát triển bền vững.

Không thể tự nhiên Đà Nẵng có được dự án tầm cỡ của Tập đoàn  Rocky Lai đầu tư vào khu công nghệ cao như thế. Các bạn phải có thực lực thì họ mới đổ tiền vào. Cũng như nhiều tập đoàn khác, những tên tuổi có “máu mặt” đều đã đến thăm dò hoặc đã đổ rất nhiều tiền vào phát triển dịch vụ. Nhưng thành phố cần thêm những hướng đi mới. Với sự kêu gọi đầu tư vào Khu công nghệ cao, chứng tỏ thành phố đã quyết tâm khai phá một mũi nhọn tốt. Công nghệ phụ trợ là một điểm yếu của toàn nền công nghiệp Việt Nam nặng về nhập khẩu lắp ráp. Đà Nẵng hãy có chính sách hết sức táo bạo kêu gọi đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, một yếu tố căn bản để những tên tuổi khổng lồ của Nhật Bản, Hàn Quốc vào làm ăn thì thành phố sẽ có thể phát triển hết sức vững chãi. Những bước đi dài hạn sẽ giúp các bạn thoát đáy khủng hoảng.

Bích Hồng