Tạo chiều sâu văn hóa cho không gian thành phố du lịch
(Cadn.com.vn) - Hàn Quốc là một đất nước có nền kinh tế phát triển, có hệ thống Internet hàng đầu thế giới nhưng ở nước này, văn học vẫn được quan tâm phát triển mạnh mẽ. Điều này là do cách tiếp cận văn học của họ, không phải bằng con đường hàn lâm, sách vở của giới nghiên cứu mà tiếp cận văn học không tách biệt với văn hóa đại chúng (popular culture): trên đường phố, trong những trạm chờ xe buýt, cánh cửa bước lên xe buýt... thay cho những biển quảng cáo là những vần thơ nổi tiếng hay những áng văn tuyệt vời viết về thành phố của họ. Cách tiếp cận văn học của chúng ta hầu như dừng lại ở ngôn từ và giới hạn ở văn bản. Chúng ta chưa thực quan tâm đến văn học trong tổng thể của quá trình hoạt động mà thị giác tham gia vào như là một ưu thế. Ngày nay, văn học không nên đứng quá xa văn hóa đại chúng mà tham dự vào như là một cách tạo nên chiều sâu văn hóa của không gian...
Từ kinh nghiệm đó, tôi đề xuất ý tưởng: thơ dọc sông Hàn.
Xuôi theo đường Bạch Đằng, Đà Nẵng lâu nay đã là không gian đầy màu sắc và hình khối, từ hệ thống đèn đường tinh tế hình hoa đào chuông, trưng bày những tác phẩm điêu khắc từ đá mỹ nghệ Non Nước, thư viện Khoa học Tổng hợp cũng là một không gian xanh mát, xinh đẹp hài hòa với cảnh quan...Thành phố cũng đã chú trọng nhiều đến văn hóa đọc khi khởi động dự án Công viên Café Sách, Hội chợ sách được tổ chức thường niên khá quy mô... Tuy nhiên, để tạo chiều sâu văn hóa cho không gian, tôi nghĩ hãy thay những biển quảng cáo dọc sông Hàn bằng những áng văn thơ của tác giả sinh ra trên đất Quảng hoặc những tác phẩm viết về đất Quảng.
Xứ Quảng có một truyền thống về thơ văn với những tên tuổi như Võ Quảng, Đoàn Huy Giao, Tần Hoài Dạ Vũ, Thái Bá Lợi, Nguyễn Nhật Ánh…Chưa kể, ca dao xứ Quảng cũng thật sự độc đáo, từ những câu ca quen thuộc (Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhắm đã say hay là Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi hoặc là Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Lòng ta thương nhớ bậu nước mắt và lộn cơm) đến những câu ca ít người biết nhưng độc đáo vô cùng: Tay cầm cây rựa quéo/ Đốn cây củi còng queo/ Cha anh khó, mẹ anh nghèo/ Đũa tre yếu ớt không dám khoèo con mắm nhung…
Điều này, bằng một cách tự nhiên rèn luyện tình yêu với đất đai quê hương. Không ở đâu, ngôn ngữ lại trở nên đẹp, giàu có và phong phú như ở trong thơ. Chúng ta vẫn cứ than vãn rằng trẻ con dạo này không có khả năng diễn đạt. Đúng thôi, bật ti vi lên là những đoạn thoại lặp đi lặp lại của quảng cáo, bật máy tính lên là game, những trang Facebook với những “xác chữ vật vờ” (chữ dùng của Nguyễn Vĩnh Nguyên), chẳng có chỗ cho thơ ca và trí tưởng tượng... vậy thì, làm sao giúp các em trau dồi mỹ cảm, nhận chân các giá trị sống?
Hà Nội có đường gốm sứ. Các đơn vị tài trợ ghi tên bên cạnh những tác phẩm, bằng cách này, vừa làm đẹp thành phố, vừa quảng cáo được bản thân họ. Bạn hãy tưởng tượng, một buổi chiều dạo chơi dọc sông Hàn mát rượi, bạn gặp vài bức thư pháp viết những câu thơ tuyệt vời của Bùi Giáng: Tôi yêu mến trần gian này mãi mãi/ Vì nơi đây tôi có đủ vui sầu hay Em về mấy thế kỷ sau/ Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?... Tôi cho rằng, đôi khi, cách xa hàng mấy ngàn cây số, du khách vẫn ước ao quay trở lại để chìm đắm trong không gian thần diệu của thơ ca.
Ánh Nguyệt