Báo Công An Đà Nẵng

PHIÊN HỌP THỨ TƯ CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHÓA XIV:

Tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp trong kỳ họp Quốc hội

Thứ sáu, 07/10/2016 07:00

(Cadn.com.vn) - Chiều 6-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Dự kiến chương trình chi tiết kỳ họp thứ 2 được bố trí như thông lệ; tuy nhiên, để hạn chế việc trình bày quá nhiều báo cáo trong cùng một buổi, dự kiến tại một số phiên họp sẽ bố trí trình bày tờ trình, báo cáo tại hội trường trước khi thảo luận tại tổ. Tăng thời gian thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội từ 1 ngày lên 1,5 ngày để thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn nghiên cứu; bố trí muộn hơn thảo luận ở tổ các nội dung về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu tài liệu. Dự kiến thời gian tiến hành kỳ họp là 24 ngày làm việc và dự kiến bế mạc vào ngày 19-11-2016.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội sẽ tăng thời gian thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong hoạt động lập pháp, Quốc hội phải tuân thủ quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật về quy trình, thời gian xây dựng pháp luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý để hoàn thiện văn bản; tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp trong kỳ họp, nhưng phải tuân thủ kỷ cương, kỷ luật, Luật báo chí. Chủ tịch cũng đề nghị báo chí quan tâm tuyên truyền đưa tin về kỳ họp, bình luận đúng bản chất sự việc.

* Sáng 6-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ban soạn thảo cho biết, Luật được xây dựng để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với nguyên tắc thị trường, không phân biệt đối xử, đảm bảo không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên... Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là mối quan hệ giữa dự thảo Luật này với các đạo luật khác, cụ thể nhất là Luật Doanh nghiệp 2015.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ mối quan hệ của các chính sách hỗ trợ trong dự thảo luật này trong mối quan hệ với các luật khác như thế nào; tính tương thích giữa các quy định của dự thảo Luật so với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, các tác động của dự thảo Luật đối với kinh tế - tài chính của đất nước... Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ban soạn thảo phải làm rõ 3 câu hỏi. Đó là làm rõ sự cần thiết ban hành Luật, các quy định trong dự thảo Luật có chồng chéo với các luật khác hay không, có làm mất đi tính đồng bộ của hệ thống pháp luật hay không?

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận sáng 6-10, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua sự điều chỉnh của Luật, đồng thời đề nghị ban soạn thảo hoàn thiện hồ sơ dự án Luật đúng văn bản quy phạm pháp luật; rà soát lại về phạm vi điều chỉnh, như dự thảo là quá rộng; đồng thời đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật, tính đến các quy định cụ thể và đảm bảo nguyên tắc thị trường. Ban soạn thảo phải hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật...

TTX