Báo Công An Đà Nẵng

Tạo động lực mới để Đà Nẵng khơi lại dòng chảy vốn FDI

Thứ sáu, 31/03/2023 08:05
Quỹ đất lớn 4 mặt tiền đường Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp được Đà Nẵng kêu gọi đầu tư trung tâm tài chính.

Từ đầu năm đến nay Đà Nẵng thu hút FDI được hơn 4,4 triệu USD (28 dự án), giảm gần 19% số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Năm 2022, Đà Nẵng cũng chỉ thu hút được hơn 69 triệu USD cho 43 dự án FDI cấp mới, thấp hơn so với năm 2021 và thấp hơn nhiều so với các địa phương lân cận. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, hiện TP thu hút tổng cộng 965 dự án FDI với tổng vốn hơn 4 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, bất động sản, sinh vụ. Trong đó, vốn FDI từ Nhật Bản dẫn đầu với hơn 900 triệu USD, chiếm gần 26%. Các quốc gia kế tiếp như Singapore (23%), Hoa Kỳ (16,8%) và Hàn Quốc (9,25%). Điều đáng nói, số vốn FDI lớn này chủ yếu đến từ những năm trước, còn những năm gần đây đang theo đà suy giảm.

Nguyên nhân suy giảm vốn FDI, theo Sở KH&ĐT do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên nhiều nhà đầu tư khó tới Đà Nẵng tìm cơ hội, trong khi xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước tại nhiều quốc gia tăng lên. Hơn nữa, cũng do đại dịch, tác động suy thoái kinh tế toàn cầu, dẫn tới nhiều doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng kinh doanh thua lỗ, chấm dứt hoạt động. Thống kê cho thấy, đến tháng 8-2022, có 262 doanh nghiệp FDI ở Đà Nẵng nợ thuế với tổng số tiền nợ hơn 198 tỷ đồng. Nhiều DN FDI khó khăn phải cắt giảm lao động, nhất là lĩnh vực may mặc, sản xuất đồ chơi, sắt thép… Tính trong giai đoạn 2018 - 2022, Đà Nẵng có 57 dự án FDI chấm dứt hoạt động, với số vốn đăng ký là hơn 109 triệu USD.

Cũng phải thấy rằng, các dự án FDI đầu tư vào Đà Nẵng tập trung trong lĩnh vực công nghiệp rất lớn, tuy vậy quỹ đất sạch trong các KCN cũ cơ bản được lấp đầy, KCN mới chậm hình thành. Việc tiếp cận hạ tầng công nghiệp sẵn có để đầu tư gặp khó. Trong khi đó, với các dự án FDI ngoài KCN, chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, dịch vụ thì việc tiếp cận quỹ đất sạch có diện tích lớn, đáp ứng yêu cầu quy hoạch cũng là một trở ngại. Các khu đất đủ pháp lý, diện tích lớn phục vụ nhà đầu tư vốn FDI chưa sẵn sàng. Còn các dự án vốn FDI nhỏ, cần quỹ đất không lớn, đòi hỏi quy trình thủ tục về đất đai khá phức tạp.

Thời gian gần đây Đà Nẵng hiếm thu hút được các dự án FDI vốn lớn như UAC.

Trong bối cảnh đó, Đà Nẵng cần làm gì để khơi thông lại dòng vốn FDI, hướng đến mục tiêu thu hút 7 tỷ USD vốn đầu tư vào năm 2030 (3 tỷ USD giai đoạn 2021-2025)? Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, giải pháp trọng tâm TP đang tập trung thực hiện để tạo động lực thu hút đầu tư các dự án lớn chính là hoàn thành phê duyệt quy hoạch các phân khu chức năng theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung tới năm 2030. Điều này có ý nghĩa quan trọng để xác định địa điểm các dự án cần kêu gọi đầu tư; hoàn thành thủ tục để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất sạch, hỗ trợ tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án đã cam kết. Trong lĩnh vực công nghiệp, TP cũng đã đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp mới, nhất là hạ tầng khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung.

Để đầu tư, triển khai dự án cần quỹ thời gian dài, do đó song song với phát triển hạ tầng công nghiệp, chuẩn bị quỹ đất sạch quy mô lớn đủ pháp lý bên ngoài KCN, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, Đà Nẵng cũng đẩy mạnh xúc tiến, tìm kiếm nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cụ thể, ngày 29-3, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam đã làm việc với Văn phòng Xúc tiến đầu tư Thái Lan tại Hà Nội để kêu gọi DN Thái Lan đầu tư vào 57 dự án, ở 9 lĩnh vực tại Đà Nẵng. Trong đó, lĩnh vực công nghệ thông tin, hạ tầng công nghiệp có 10 dự án kêu gọi, nổi bật như KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư 2.232 tỷ đồng, KCN Hòa Ninh có tổng vốn đầu tư 6.083 tỷ đồng, KCN Hòa Nhơn có tổng vốn đầu tư 5.657 tỷ đồng. Trước đó, đầu tháng 3-2023, Đà Nẵng cũng tổ chức Toạ đàm xúc tiến đầu tư tại thị trường UAE, kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng, Cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics, du lịch, công nghệ cao, công nghệ thông tin…

Xu hướng mới của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay là góp vốn, mua lại phần góp vốn để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, đồng thời cũng đánh giá được hiệu quả kinh doanh của DN sẵn có. Năm 2022, tổng giá trị góp vốn, mua lại phần vốn góp vào Đà Nẵng hơn 58 triệu USD, tăng hơn 509%, điều này cho thấy Đà Nẵng vẫn là môi trường đầu tư hấp dẫn. Vấn đề còn lại, để khơi lại dòng chảy FDI sau đại dịch, Đà Nẵng cần tạo ra những động lực mới, nhất là từ hạ tầng công nghiệp, quỹ đất sạch lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao…

HẢI QUỲNH