Tạo môi trường du lịch ổn định
(Cadn.com.vn) - Ngày 7-7, tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì cuộc họp với ngành Du lịch 3 địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam nhằm đánh giá thực trạng và bàn giải pháp tạo môi trường du lịch ổn định để thu hút khách đến với các tỉnh miền Trung.
Nhiều hệ quả từ tăng trưởng nóng
Theo ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, mỗi năm tỉnh này đón khoảng 4 triệu lượt khách du lịch. Địa bàn tỉnh không có các Cty lữ hành trực tiếp khai thác mà hầu hết thông qua các Cty của TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Ông Hài cũng cho biết, trong thời gian qua có xuất hiện tình trạng các đoàn du lịch đến Hội An mang theo hướng dẫn viên (HDV) của họ. Điều này vi phạm pháp luật Việt Nam. “Chúng tôi đã xử lý một Cty và 1 HDV vi phạm các quy định trong hoạt động du lịch. Hiện tại, việc này không còn tái diễn nhưng chúng ta cần nhanh chóng có những chấn chỉnh kịp thời những vụ việc tương tự để đảm bảo môi trường du lịch cạnh tranh lành mạnh, ổn định”, ông Hài nói.
Trong khi đó, theo đại diện của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, trong 6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế cũng có xu hướng tăng so với cùng kỳ. Khách từ thị trường Trung Quốc không tăng nhưng khách Hàn Quốc lại tăng đột biến. Cụ thể, năm 2011 Thừa Thiên Huế chỉ đón 3 nghìn lượt khách Hàn Quốc nhưng 5 tháng đầu năm 2016 đã đón tới hơn 60 nghìn lượt và đang đứng đầu trong các thị trường du lịch quốc tế. Hiện tại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 83 Cty lữ hành đang hoạt động, trong đó có 47 Cty lữ hành quốc tế (2 Cty khai thác thị trường Trung Quốc và 2 Cty khai thác thị trường Hàn Quốc). “Trước đây cơ quan chức năng có xử phạt 1 trường hợp người Hàn Quốc làm HDV với số tiền 20 triệu đồng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhờ quản lý chặt nên không có trường hợp nào vi phạm”, đại diện Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho hay.
Tại Đà Nẵng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Chí Cường cho hay, tính riêng 6 tháng đầu năm, có 211.079 lượt khách Trung Quốc đến Đà Nẵng, chiếm tỷ trọng 26,53%, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2015. Trên địa bàn thành phố hiện có 19 Cty lữ hành quốc tế và 7 chi nhánh chuyên khai thác thị trường khách Trung Quốc. Trong tổng số 2.238 HDV du lịch trên địa bàn thành phố thì có 360 HDV quốc tế tiếng Trung Quốc được cấp thẻ, chưa kể khoảng 60 HDV từ các địa phương khác đến hành nghề.
Đại diện ngành Du lịch 3 địa phương cho rằng, hiện tượng làm HDV “chui” hoặc những vi phạm của các Cty lữ hành quốc tế trong thời gian qua là hệ quả của việc tăng trưởng nóng. Đó là lượng du khách từ các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc đến ngày một đông nhưng hạ tầng, dịch vụ tour tuyến và đội ngũ HDV chưa đủ đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, một bộ phận các Cty du lịch, HDV có hành vi tiếp tay, làm bình phong cho các Cty lữ hành nước ngoài khai thác để hưởng hoa hồng dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý, xử lý vi phạm.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái làm việc với ngành du lịch TT-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Ảnh: C.K |
Không “vơ bèo bắt tép”
Theo ông Vũ Xuân Thành – Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL, sau những ngày vấn đề người nước ngoài hoạt động du lịch trái phép được phát hiện ở một số tỉnh thành thì đến thời điểm hiện tại, tình hình cơ bản đã ổn định. Việc triển khai kiểm tra, rà soát, phát hiện và xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm trong thời gian qua không phải là do dư luận, báo chí phản ánh rồi lực lượng chức năng mới chạy theo, vào cuộc mà công tác này vẫn được triển khai thường xuyên, liên tục. Sau Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với Khánh Hòa, Quảng Ninh… để ghi nhận tình hình và báo cáo Thủ tướng, phục vụ cho công tác chấn chỉnh hoạt động du lịch.
Theo ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, lâu nay tại nhiều địa phương tồn tại tình trạng khai thác du lịch theo hướng quan tâm về số lượng mà không quan tâm tới việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển bền vững thì chúng ta cần khắc phục những tồn tại, yếu kém về hạ tầng, dịch vụ, những lỗ hổng trong công tác quản lý. “Chúng ta không vơ bèo bắt tép nữa mà phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Phải tạo điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn để thu hút du khách”, ông Siêu nhấn mạnh. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đề xuất, trước mắt Bộ VH-TT&DL tiến hành rà soát toàn bộ các Cty lữ hành quốc tế và giấy phép hành nghề, chất lượng của các HDV quốc tế.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, trước những thông tin gây bức xúc trong dư luận trong thời gian qua thì điều quan trọng nhất là ngành Du lịch phải bình tĩnh để tìm nguyên nhân, tháo gỡ. Vì chỉ mới đón lượng khách quốc tế khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực mà khi xảy ra hiện tượng này đã chới với rồi thì kế hoạch đón 15 triệu khách vào năm 2020 liệu sẽ thế nào. “Đối với các thị trường du lịch trọng điểm, chúng ta tẩy chay quá cũng không được. Chúng ta phải đảm bảo môi trường du lịch, bảo vệ du khách và xây dựng hình ảnh thân thiện của đất nước Việt Nam. Để làm tốt công tác quản lý, đề nghị Tổng cục Du lịch tiến hành rà soát trên diện rộng các Cty lữ hành quốc tế và cả những Cty trong nước, đội ngũ HDV có hành vi tiếp tay cho các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Nếu phát hiện phải xử lý nghiêm, kiên quyết không vị nể”.
Công Khanh