Tạo môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, nhân văn cho phạm nhân, trại viên
Sáng 14-11, Đoàn kiểm tra số 5 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Sơn-Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác Công an năm 2019 đối với Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Theo kết quả kiểm tra, từ đầu năm 2019 đến nay, dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Công an TƯ, lãnh đạo Bộ, sự phối hợp của các đơn vị, địa phương, lực lượng Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng đã tích cực, đoàn kết thống nhất, cố gắng nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, tập trung triển khai các biện pháp công tác, đạt được kết quả quan trọng. Nổi bật, tình hình các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng cơ bản được giữ vững ổn định, trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, không có vụ việc gây rối. Công tác giáo dục phạm nhân, trại viên, học sinh được quan tâm, từng bước đổi mới, hiệu quả hơn; tình trạng đưa ma túy, thiết bị liên lạc vào cơ sở giam giữ, quản lý được ngăn chặn, kiềm chế; các trường hợp bỏ trốn đã được kịp thời bắt lại. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ Công an, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân và phục vụ tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng được tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến tích cực; các nội dung về công tác tổ chức cán bộ được thực hiện đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ theo đúng quy định về quy trình, thủ tục, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Đã chủ động khắc phục khó khăn trong công tác tài chính, hậu cần, trang bị, y tế và bảo vệ môi trường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...
Tại buổi làm việc, với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm, thành viên Đoàn kiểm tra đã thẳng thắn chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, để công tác này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn ghi nhận, biểu dương những kết quả mà Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng đã đạt được. Thứ trưởng yêu cầu, lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng cần tập trung phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đã được nêu trong báo cáo, để nhanh chóng đề ra các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, thời gian tới, lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Đảng ủy Công an TƯ, Bộ Công an đối với công tác quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm quy trình, chế độ công tác cho cán bộ, chiến sĩ, không để sơ hở, thiếu sót. Chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng đề xuất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác thi hành án hình sự, trọng tâm là triển khai Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2020 theo đúng tiến độ đề ra. Các đơn vị tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các quy trình quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân, trại viên; triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, giải quyết những vụ việc phức tạp có thể xảy ra ngay từ đầu, góp phần bảo vệ an ninh, an toàn cơ sở giam giữ.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn đặc biệt nhấn mạnh đến công tác triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục, dạy nghề, thực hiện chế độ, chính sách đối với người bị giam, giữ theo đúng quy định của pháp luật theo hướng thiết thực, công khai, minh bạch. Tích cực, chủ động tạo môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, nhân văn cho phạm nhân, trại viên, học sinh, từng bước loại bỏ những tư tưởng mặc cảm, tiêu cực, chống đối để tập trung cải tạo, rèn luyện tốt. Xây dựng các mô hình dạy nghề phải phù hợp với yêu cầu thực tiễn của xã hội để khi phạm nhân, trại viên, học sinh chấp hành xong án phạt tù, quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng về địa phương, có điều kiện để tái hòa nhập cộng đồng...
N.L