Tạo sinh kế bền vững cho người dân sau bão lũ
Không chỉ gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng, các trận bão lũ cuối năm 2020 còn khiến hàng nghìn hộ gia đình ở tỉnh Quảng Nam đối mặt với khó khăn, sản xuất bị đình đốn, sinh kế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, đi cùng với nỗ lực ổn định chỗ ở, tạo sinh kế thích hợp và bền vững, phù hợp với điều kiện, tập quán canh tác của từng vùng được tỉnh Quảng Nam đặt lên hàng đầu để từng bước giúp đồng bào khôi phục sản xuất. Một trong những giải pháp được kỳ vọng trở thành sinh kế bền vững, ổn định lâu dài là trồng cây dược liệu và cây nguyên liệu phục vụ nghề thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh thăm hỏi, tặng quà cho bà con vùng sạt lở. |
Khu tái định cư thôn Trà Văn A, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn là một trong những khu tái định cư được đồng bào dân tộc Bhnong bị mất nhà ở do mưa bão dọn về ở trong dịp Tết cổ truyền vừa qua. Ngay sau khi ổn định chỗ ở, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn cũng như các xã vùng sạt lở núi huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nam Giang đã khẩn trương vào cuộc nhằm tạo sinh kế cho đồng bào, được bà con tích cực đón nhận.
Về ở nhà mới trong Khu tái định cư thôn Trà Văn A, già làng Hồ Văn Gieo phấn khởi nói: "Bà con chúng tôi giờ đây yên tâm về chỗ ở nhiều rồi, không lo sạt lở nữa. Chỗ ở mới gần với các công trình điện, đường, trường học và trạm y tế nên bà con rất yên tâm. Mấy năm nay, việc trồng cây dược liệu dưới tán lá rừng đã đem lại hiệu quả đáng kể cho đồng bào chúng tôi. Ở Phước Sơn, chủng loại cây dược liệu đa dạng, phong phú, nếu được Nhà nước hỗ trợ về kỹ thuật, lương thực, công phát dọn ban đầu cũng như công chăm sóc thì bà con sẽ có điều kiện trồng cây dược liệu trở thành một ngành sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng bào dân tộc Bhnong ở vùng sạt lở núi giờ đây đã an cư rồi nhưng cần phải có điều kiện để khôi phục sản xuất ngay trên đất rừng, bảo vệ rừng. Trồng các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định thì việc phá rừng để làm rẫy chắc chắn sẽ không còn".
Theo Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Hồ Quang Hường, sau khi ổn định chỗ ở, việc tạo sinh kế mới cho người dân đang được chính quyền thực hiện quyết liệt. Huyện Phước Sơn đang vận động bà con sử dụng nguồn kinh phí được hỗ trợ của người dân cả nước để đầu tư sửa chữa nhà ở, phát triển sản xuất, chăn nuôi. Về lâu dài, huyện Phước Sơn tiếp tục sử dụng lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng sản xuất các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao và có nhu cầu cao trên thị trường để hỗ trợ đồng bào. Mấy năm qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Phước Sơn đã hỗ trợ đồng bào trồng và chăm sóc hơn 50 ha cây dược liệu dưới tán lá rừng. Mô hình này được kỳ vọng sẽ mở ra một hướng sinh kế mới, bền vững và lâu dài cho đồng bào và thay thế cây keo, loại cây trồng vừa có hiệu quả kinh tế không cao, vừa còn là tác nhân của tình trạng sạt lở núi trong mùa mưa lũ.
Là vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ, bên cạnh việc tìm kiếm và bố trí đất tái định cư lâu dài cho đồng bào, vấn đề đang được Quảng Nam đặc biệt chú trọng là xác định bộ giống cây trồng và vật nuôi có nhu cầu tiêu thụ mạnh cũng như cơ chế hỗ trợ giống, kỹ thuật, lương thực bước đầu, để giúp bà con khôi phục sản xuất, tiến đến xây dựng được sinh kế bền vững lâu dài, từng bước hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa có sản lượng lớn và giá trị cao. Đây chính là giải pháp căn cơ để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào.
Thực tế cho thấy, ở các huyện miền núi trong tỉnh, việc phát triển các loài cây dược liệu như: sâm ba kích, đẳng sâm, quế và nhiều loại cây dược liệu khác cũng như trồng mây phục vụ nghề thủ công mỹ nghệ xuất khẩu là những cây trồng có giá trị, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán canh tác, được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng và được đồng bào tích cực đón nhận. Nhờ phát triển kinh tế vườn rừng, nhiều hộ đồng bào đã thoát cảnh sinh kế bấp bênh và có thu nhập ổn định. "Vùng miền núi Quảng Nam có quỹ đất rộng lớn, cộng với các chi, loài thảo dược đa dạng, phong phú, có giá trị cao, nếu được đầu tư đúng mức và đúng hướng sẽ có khả năng hình thành các vùng sản xuất dược liệu có quy mô lớn, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào", Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn đề xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, ổn định chỗ ở và tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, người dân ở những vùng thường xuyên bị sạt lở nói riêng vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài. Trước mùa mưa năm nay, tất cả các địa phương, trong đó tập trung phần lớn ở các huyện miền núi, vùng sạt lở, phải hoàn thiện việc sắp xếp lại chỗ ở mới ổn định cho đồng bào. Đặc biệt, để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào, tỉnh sẽ tiếp tục bố trí, sắp xếp ổn định dân cư lâu dài gắn với đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, các công trình phát triển kinh tế ở những vùng có nguy cơ sạt lở, gắn liền với công tác bảo vệ và phát triển rừng. "Phát triển sinh kế cho người dân phải dựa vào đặc điểm của từng vùng, từng địa bàn cụ thể. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ chiến lược được tỉnh Quảng Nam thực hiện trong thời gian tới, nhằm tạo sinh kế bền vững cho đồng bào", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Trồng cây dược liệu, rừng nguyên liệu gỗ lớn, rừng mây tre phục vụ nghề thủ công mỹ nghệ xuất khẩu gắn với bảo vệ tài nguyên rừng và phù hợp với đặc điểm, tập quán canh tác của từng vùng, không những được kỳ vọng sẽ tạo được sinh kế bền vững và ổn định lâu dài cho đồng bào mà khắc phục tình trạng trồng cây nguyên liệu ngắn ngày, phá rừng làm rẫy, gây xói mòn đất, dễ bị sạt lở đất, gây ra thảm họa trong mùa mưa. Đây chính là những giải pháp căn cơ trong mục tiêu tạo sinh kế bền vững cho đồng bào đang được Quảng Nam nỗ lực thực hiện.
H.T