Báo Công An Đà Nẵng

Tạo sinh kế cho người kém may mắn

Thứ hai, 30/12/2019 18:12

Để giúp các cụ già, người khuyết tật ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Nam tại TP Hội An (Quảng Nam) có việc làm lúc nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập, chị Lê Thị Hoàng Yến (31 tuổi) - Giám đốc Cty nội thất Ngọc Minh Khuê đã đầu tư dự án dạy thêu trên trang phục, sau đó bao tiêu sản phẩm.

Chị Yến (phải) đến động viên học viên học thêu.

Gần 3 tuần nay, cứ sau giờ ăn, những cụ già, người khuyết tật ở Trung tâm liền có mặt tại hội trường, miệt mài khâu từng mũi kim, đường chỉ vào quần áo những họa tiết đơn giản như chiếc lá, bông hoa, vòng tròn... theo chỉ dẫn của giáo viên. Do bị liệt đôi chân không thể đến hội trường học nên bà Nguyễn Thị Mai (45 tuổi) phải ở tại phòng để giáo viên đến dạy thêu. Tuy mới học, nhưng những họa tiết thêu của bà Mai rất chuẩn và đẹp, được nhiều người khen. "Những người ở đây thời gian rảnh rỗi nhiều, không có việc làm, suốt ngày tụ tập trò chuyện cũng nhàm chán. Vì vậy, khi nghe có dự án dạy thêu trên trang phục, học vẫn có lương đã có rất nhiều người đăng ký tham gia. Cty không yêu cầu tranh thêu phải sắc sảo như thợ chuyên nghiệp, người thêu có thể sáng tạo nên những họa tiết mới của riêng mình"- chị Mai tâm sự.

Chị Yến cũng là trẻ mồ côi nên luôn dành những tình cảm đặc biệt cho Trung tâm, là Mạnh Thường Quân gắn bó với Trung tâm suốt thời gian qua. Trò chuyện với chúng tôi, chị Yến tâm sự, chị quen biết với họa sĩ Nguyễn Quốc Dân, một trong những họa sĩ sáng lập dòng tranh phi lập thể, theo đuổi nghệ thuật thêu tự do (Tick Art). Họa sĩ Dân tự thêu những hình dạng đơn giản, chữ trên trang phục của mình mà không tuân thủ một quy luật nhất định nào. Điều lạ là, có rất nhiều người nước ngoài tỏ ra thích thú, "hét giá" muốn sở hữu bộ trang phục này nhưng anh không bán. Bởi theo ý nghĩ của người nước ngoài, trang phục này lạ và không "đụng hàng" với ai.

"Khi gặp anh Dân, tôi có tâm sự muốn giúp những người khuyết tật tại Trung tâm có công việc làm kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Anh Dân cũng từng là trẻ mồ côi sống tại Trung tâm nên rất tâm huyết. Nghe vậy, anh Dân đã nêu ý tưởng dạy họ thêu tự do trên các trang phục, vì nó không cần phải tinh xảo và người nước ngoài rất thích những trang phục kiểu như vậy. Khi tôi nêu ý tưởng với lãnh đạo Trung tâm, họ đã ủng hộ hết mình. Lúc bắt đầu thực hiện, nhiều người bỡ ngỡ không biết làm thế nào, nhưng sau vài ngày học họ tỏ ra thích thú, say mê môn nghệ thuật này. Hiện đã có 11 người ở Trung tâm đăng ký học thêu, mới học được gần 3 tuần nhưng đã có 4 người thêu rất đẹp, đạt tiêu chuẩn"- chị Yến tâm sự.

Những người học thêu đều được Cty trả lương từ 1 đến 2,5 triệu đồng, chấm công theo ngày học. Hiện tại, những trang phục mẫu là quần áo công nhân. Khi sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn sẽ thêu lên những trang phục đắt tiền bán ra thị trường và lúc đó người thêu sẽ ăn theo sản phẩm do mình làm ra. Với số tiền trả lương cho 1 giáo viên, mua hàng mẫu và lương học việc thì mỗi tháng chị Yến phải chi hơn 20 triệu đồng. Nhưng chị Yến không mong thu hồi vốn, chỉ mong giúp những người kém may mắn ở đây có công việc làm, tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống. "Thuận lợi của thêu tự do là không yêu cầu người thêu phải có nghề, họa tiết đơn giản như lá, hoa, chữ..., chỉ cần cẩn thận là được. Ngoài ra, người thực hiện thoải mái tưởng tượng và thêu bất kỳ điều gì mình muốn, giáo viên chỉ hướng dẫn về màu chỉ, kỹ thuật thêu. Do đó, sản phẩm không có sự trùng lặp, mỗi tác phẩm có tính đặc sắc riêng. Sau khi dạy cho những cụ già, người khuyết tật ở cơ sở 2, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai đến các trẻ mồ côi tại cơ sở 1 của Trung tâm nhằm giúp các em có thêm thu nhập. Hy vọng sản phẩm làm ra sẽ được thị trường ưu chuộng, giúp họ có công việc làm ổn định kiếm thêm thu nhập" - chị Yến chia sẻ.

Ông Trần Phước Tuấn - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Nam cho hay, chị Yến là một trong những Mạnh Thường Quân tâm huyết, luôn gắn bó với Trung tâm. Chị thường xuyên đến Trung tâm tặng quà, phát cơm, cháo miễn phí. Vì muốn những người kém may mắn ở Trung tâm có thêm niềm vui trong cuộc sống, chị đã thực hiện dự án phi lợi nhuận mang đậm tính nhân văn này. Từ khi dự án được triển khai, những người ở đây đã có niềm vui mới, họ được trả lương nên học tập rất chăm chỉ. Tiền lương của họ được Cty trả, chi tiêu theo sở thích của mình và Trung tâm không quản lý, khẩu phần ăn của họ vẫn đủ theo tiêu chuẩn trợ cấp. "Tôi mong rằng dự án này sẽ được nhiều người ủng hộ, mang lại hiệu quả, giúp những người khuyết tật nơi đây có thêm niềm vui trong cuộc sống"- ông Tuấn nói.

LÊ VƯƠNG