Tạo thế và lực trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới
Qua 20 năm thi hành, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP thành phố Đà Nẵng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, tham mưu xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Nhân dịp tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP, chúng tôi có cuộc trao đổi với Đại tá Tôn Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng BĐBP TP về vấn đề thực hiện Pháp lệnh BĐBP ở Đà Nẵng.
Đại tá Tôn Quốc Khánh |
P.V: Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng đã triển khai và thực hiện pháp lệnh này như thế nào trong 20 năm qua, thưa đồng chí?
Đại tá Tôn Quốc Khánh: Pháp lệnh BĐBP là bước cụ thể hóa Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về xây dựng BĐBP trong tình mới; là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng BĐBP chính quy, từng bước hiện đại nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia (BGQG), bảo vệ an ninh chính trị (ANCT) giữ gìn trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) ở khu vực biên giới (KVBG), vùng biển. Chính vì vậy, ngay sau khi pháp lệnh được công bố, BĐBP đã chủ động tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quán triệt, triển khai pháp lệnh và các văn bản pháp luật liên quan đến các cấp, các ngành; CBCS LLVT và nhân dân khu vực biên giới nắm rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, quản lý bảo vệ chủ quyền ANCT- TTATXH ở khu vực biên giới biển. Đưa nội dung pháp lệnh, các văn bản hướng dẫn thi hành vào nội dung học tập chính trị của các cơ quan đơn vị. Các đồn Biên phòng đã tham mưu cho các quận tổ chức hội nghị quán triệt cấp cơ sở và đưa vào chương trình phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nắm và thực hiện.
Nội dung Pháp lệnh BĐBP và các văn bản liên quan đã được quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện trong lực lượng vũ trang, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trên khu vực biên giới biển, khu vực cửa khẩu cảng thành phố, tạo nhận thức sâu rộng trong thực hiện Pháp lệnh BĐBP và nhiệm vụ bảo vệ biên giới, vùng biển.
BĐBP thành phố tặng quà Mẹ VNAH Mai Thị Sây, P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn. |
P.V: Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật qua 20 năm thực hiện pháp lệnh BĐBP của BĐBP thành phố Đà Nẵng?
Đại tá Tôn Quốc Khánh: Từ năm 1997 đến nay, cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển, BĐBP thành phố đã phối hợp với các sở, ban, ngành đoàn thể, chính quyền các cấp tổ chức tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, Pháp lệnh BĐBP, Luật Biên giới quốc gia, các hiệp định, hiệp nghị, quy chế biên giới và tình hình Biển Đông. Tổ chức các phong trào như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; các chủ trương lớn của địa phương như Chương trình “5 không” “3 có”, Chương trình “Thành phố 4 an”.
Kết quả, tổ chức tuyên truyền được 2.018 buổi/121.733 lượt người nghe. Hàng năm, BĐBP chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với UBMTTQVN, các ngành, đoàn thể tổ chức tốt các hoạt động “Ngày Biên phòng toàn dân” bằng nhiều nội dung phong phú, xây dựng được 254 cốt cán, phát huy có hiệu quả phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân gắn với thế trận Quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc.
Trong đó, BĐBP thành phố đã xây dựng được nhiều mô hình giúp dân góp phần tích cực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và giữ gìn ANCT-TTATXH ở khu vực biên giới thành phố như: Mô hình tổ tàu, thuyền an toàn văn hóa; điểm sáng văn hóa; khu dân cư văn hóa biển như: Mô hình khu dân cư văn hóa biển Kim Liên phường Hòa Hiệp Bắc; Tân Trà phường Hòa Hải, Tân Trung phường Xuân Hà được địa phương đánh giá cao. Trong đó nổi lên là Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã vận động gần 3 tỷ đồng đầu tư xây dựng công trình nhà 3 trong 1 tại khu dân cư văn hóa biển Kim Liên làm nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi tránh trú bão và quân dân y kết hợp khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó đơn vị đã tham mưu UBND thành phố hỗ trợ 1 tỷ đồng xây dựng mái ấm cho người nghèo nơi biên giới; 125 triệu đồng thực hiện Chương trình “Vì những con tàu xa khơi” của thành phố. Nhận phụng dưỡng suốt đời 09 mẹ Việt Nam anh hùng. Từ năm 2014 đến nay, CBCS BĐBP thành phố đã nhận đỡ đầu 38 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên khu vực biên giới biển thành phố với tổng kinh phí hỗ trợ 138 triệu đồng. Ngoài ra đơn vị đã hỗ trợ giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ phương tiện sinh kế, trao quà cho ngư dân, học sinh nghèo học giỏi với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.
Trên mặt trận phòng chống tội phạm, cùng với các lực lượng BĐBP thành phố đã xác lập và đấu tranh thành công 25 chuyên án (21 chuyên án về ma túy, 4 chuyên án về buôn lậu, gian lận thương mại); thu thập xử lý 31.625 nguồn tin, phát hiện bắt giữ, điều tra, xử lý 2.060 vụ/4.250 đối tượng phạm pháp hình sự và vi phạm pháp luật: Khởi tố vụ án hình sự (VAHS), điều tra theo thẩm quyền và đề nghị cơ quan chức năng khởi tố 168 vụ/224 đối tượng. Trực tiếp khởi tố VAHS: 133 vụ/165 đối tượng. Đề nghị cơ quan chức năng khởi tố: 25 vụ/59 đối tượng.
Trong 20 năm qua, đơn vị đã đề nghị Bộ Tư lệnh tặng 495 kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc” cho các cá nhân có thành tích trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển, đảo của Tổ quốc. Nhân dịp hội nghị sơ kết 20 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, UBND thành phố và Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã trao tặng bằng khen, giấy khen cho 85 tập thể, và 150 cá nhân có thành tích trong thực hiện ngày Biên phòng toàn dân.
Có thể khẳng định, trong 20 năm qua, Pháp lệnh BĐBP là cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới biển. Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng đã tạo thế và lực giúp BĐBP thành phố bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia, góp phần vào nhiệm vụ phát triển KT-VH-XH của địa phương.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
BÁ TRẦN (thực hiện)