Báo Công An Đà Nẵng

Tạo thêm cơ hội cho hộ nghèo sở hữu nhà chống bão

Thứ năm, 21/11/2013 14:10

(Cadn.com.vn) - Mỗi năm, người dân miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng liên tục chống đỡ vất vả với nhiều cơn bão mạnh. Tuy vậy, 244/245 căn nhà được hỗ trợ xây dựng theo mô hình chống bão từ Hội LHPN TP Đà Nẵng đã chịu lực tốt với gió mạnh. Tìm hiểu thêm về dự án này, Phóng viên Báo CATP Đà Nẵng đã được bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch Hội chia sẻ kinh nghiệm.

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Đà Nẵng.

PV: Bà có thể cho biết xuất phát từ đâu mà dự án trên được triển khai?

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh: Đà Nẵng với địa thế nằm dọc biển, hàng năm phải thường xuyên đón nhận những cơn bão, lũ lớn. Tuy nhiên, thực địa tại một số địa phương dễ bị tổn thương như Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Thọ Quang, Mân Thái... số lượng các hộ  dân có nhà bán kiên cố đã xuống cấp nghiêm trọng rất nhiều.

Theo số liệu khảo sát trước khi triển khai chương trình nhà ở chống bão, số hộ dân nhà ở không có trụ từ 35-82%; 73-95% nhà lợp bằng tôn. Mái tôn dễ dàng bị thổi bay đi trong cơn bão, thêm vào đó ảnh hưởng của lũ, lụt cục bộ có gây ra sụp đổ tường, trần nhà nếu không được hỗ trợ đầy đủ. Vì thế các hộ dân sống trong các nhà bán kiên cố, xuống cấp buộc phải sơ tán trong mùa bão, lũ. Từ thực tế này, Hội đã triển khai dự án trên nhằm để hỗ trợ người dân chống bão.

PV: Được biết, mô hình nhà chống bão được hỗ trợ vay 20-30 triệu đồng/hộ với lãi suất 0,65%/tháng và được hỗ trợ về kỹ thuật. Bà có thể cho biết cụ thể hơn?

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh: Hiện nay Hội được ISET hỗ trợ thiết lập Quỹ vốn vay quay vòng 5,1 tỷ đồng, với mục tiêu đến 2014, hỗ trợ cho 320 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn để xây mới, nâng cấp nhà có tiêu chí chống bão tại 8 xã/ phường trên địa bàn Đà Nẵng. Tính đến tháng 10-2013 Hội đã giải ngân được 245 hộ/5,2 tỷ đồng, bình quân 1 hộ khoảng 20 triệu đồng.

Mô hình nhà chống bão rất được chú trọng phần kỹ thuật, chú ý đến 3 yếu tố kỹ thuật cơ bản: phần móng phải đảm bảo để giữ được sự thăng bằng cho ngôi nhà, phần tường ít nhất 15 cm trở lên và có sự liên kết giữa các tường ngang, tường dọc và móng bằng sắt thép để có thể chống chịu với sự xô ngã của gió bão, phần mái thì cần phải giằng kỹ... Trong một ngôi nhà với diện tích lớn, hộ dân có thể đổ mê 1 phòng nhỏ để khi có bão thì vào trú, tránh mà không phải di cư.


Hộ bà Phan Thị Thành (thôn Hòa Phát, xã Hòa Phú, H. Hòa Vang) trước
và sau khi xây dựng.

PV: Tương lai mô hình này có được nhân rộng  và ở khu vực nào?

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh: Dự án nhà ở chống bão hiện tại đang được thực hiện tại 8 phường Mân Thái, Thọ Quang (Q. Sơn Trà), Hòa Hải, Hòa Quý (Q. Ngũ Hành Sơn), Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc (Q. Liên Chiểu), Hòa Nhơn, Hòa Phú (H. Hòa Vang). Tuy nhiên Hội vẫn ưu tiên các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn có nhà bán kiên cố thuộc những vùng ven vì đây là những khu vực  dễ bị tổn thương nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu.

Dự kiến trong thời gian đến tại từng địa phương, chúng tôi sẽ mở rộng thêm khu vực người dân như ở Q. Sơn Trà sẽ thêm 3 phường: Phước Mỹ, An Hải Đông, An Hải Bắc; Liên Chiểu thêm 2 phường Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc; Hòa Vang thêm 2 xã Hòa Tiến và Hòa Châu; Thanh Khê sẽ có các phường: Thanh Khê Đông, Xuân Hà và Q. Cẩm Lệ là các phường Hòa Thọ Tây và Hòa Thọ Đông.

PV: Khi triển khai dự án, Hội đã gặp những thuận lợi và khó khăn nào, Hội đã có giải pháp, kiến nghị gì?

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh: Hội đã rất thành công dự án này bởi có được sự cùng tham gia của cộng đồng. Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà tài trợ về kỹ thuật, năng lực, kiến thức...; hệ thống tổ chức Hội đến tận khu dân cư và công tác phối hợp chặt chẽ, duy trì, kịp thời giữa hộ dân với Hội phụ nữ, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, Dự án đã triển khai đúng địa điểm, đối tượng, đáp ứng nhu cầu của hộ dân và chính quyền địa phương và đã nhận được sự đồng thuận của các hộ dân, chính quyền địa phương.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã vấp phải một số khó khăn như: việc chứng minh giấy tờ nhà ở hợp pháp còn là một hạn chế đối với các hộ vay nghèo, cận nghèo và thu nhập thấp; tâm lý hộ dân chưa ổn định; nhà ở xuống cấp quá nặng, tiền vay và tiền tiết kiệm không đủ để xây dựng/sửa chữa nhà... Chính vì vậy, Hội đã có văn bản đề nghị chỉ đạo lồng ghép kỹ thuật nhà ở chống bão vào chương trình khắc phục nhà ở của các hộ dân sau bão số 11... Riêng Hội sẽ tiếp tục tìm kiếm kêu gọi các nguồn hỗ trợ dự án; phối hợp với Cty tư vấn thiết kế miền Trung xây dựng tài liệu kỹ thuật hướng dẫn xây dựng nhà ở chống bão để truyền thông rộng rãi đến người dân thông qua các đợt sinh hoạt tổ chức Hội ở khu dân cư.

P.V: Cảm ơn bà vì cuộc trao đổi này!

Lê Anh Tuấn
(thực hiện)